Nghiên cứu mới đây cho biết, thuốc chữa rối loạn cương dương không thực sự hiệu quả khi chỉ chữa vấn đề sinh lý mà quên đi các vấn đề tâm lý xã hội và thể chất ở nam giới.

Rối loạn chức năng cương dương (ED) là một tình trạng mà người đàn ông thường không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng để giao hợp. Nó ảnh hưởng đến khoảng 20% đàn ông Mỹ với nhiều nguyên nhân khác nhau như sinh lý, cảm xúc hay những thói quen như uống rượu quá mức.

{keywords}
Rối loạn chức năng cương dương khiến đàn ông mất “tự tin” khi gần bạn tình.

Các nhà nghiên cứu đã làm 40 thí nghiệm với nhóm nam giới bị rối loạn chức năng cương dương để xem chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ của những người đàn ông này thay đổi như thế nào với thuốc chữa rối loạn cương dương loại ức chế men PDE5.

Trước khi điều trị, họ có chất lượng cuộc sống với các mối quan hệ xã hội tương đối tốt, nhưng quan hệ tình dục lại không được tốt, một vài người còn mắc chứng trầm cảm, không tự tin.

Sau khi điều trị, những người tham gia được cải thiện đáng kể về năng lực tình dục và sự tự tin. Tuy nhiên, sự hài lòng của họ về cuộc sống hay các mối quan hệ nói chung lại gần như không được cải thiện.

Cuộc sống tốt hơn với việc cải thiện khả năng của phái mạnh dường như là một lợi ích của thuốc điều trị rối loạn cương dương. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng điều đó có thể không chính xác. Nguyên nhân tâm lý hoặc hậu quả gây ra bởi bệnh rối loạn cương dương cần những điều trị khác thay vì chỉ tập trung chữa vấn đề sinh lý.

Tiến sĩ Andrew Kramer, bác sĩ tiết niệu của Đại học Trung tâm Y tế Maryland cho rằng nghiên cứu chứng rối loạn cương dương ở nam giới có thể sẽ tìm ra các vấn đề về tâm lý xã hội và các vấn đề về thể chất ở nhiều người.

"Người ta thường nghĩ một cách đơn giản rằng phục hồi được “độ mạnh” của nam giới sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề. Tuy nhiên sự thật không phải vậy”, Kramer nói.

Điều trị cả hai khía cạnh thể chất và tâm lý xã hội của bệnh rối loạn cương dương sẽ là phương pháp điều trị hiệu quả nhất dành cho nam giới bị mắc căn bệnh này.

Khánh Hà (Theo Livescience)