Một chuyên gia tình dục học lâm sàng Mỹ tuyên bố, trong tinh dịch của nam giới có các "chiến binh" chuyên thực thi sứ mệnh ngăn "con giống" của một gã đàn ông khác khiến vợ của họ "dính bầu".
40% tinh trùng trong một lần xuất tinh của nam giới không có chức năng thụ tinh cho trứng, mà đảm trách nhiệm vụ ngăn cản và tiêu diệt "con giống" của người đàn ông khác. Ảnh minh họa: Corbis |
Theo tiến sĩ Lindsey Doe, chuyên gia xuất hiện trong một loạt video về giáo dục giới tính trên trang Youtube, tới 40% "con giống" trong một lần xuất tinh của nam giới là "tinh binh chiến đấu" hay còn gọi là "kamikaze", có nhiệm vụ ngăn chặn tinh trùng của một người đàn ông khác thụ tinh cho trứng.
Tiến sĩ Doe nói, các tinh trùng kamikaze không tham gia vào quá trình thụ tinh cho trứng. Thay vào đó, nhiệm vụ của chúng hoàn toàn là nhằm bảo vệ quyền thụ tinh của chủ nhân.
Để thực thi sứ mệnh chuyên biệt, các tinh trùng kamikaze sẽ cuộn tròn đuôi của chúng và móc nối với nhau để tạo thành những bức tường và chướng ngại vật ngăn "quân thù". Thậm chí, một số "chiến binh" kamikaze sẵn sàng tách ra và tấn công để tiêu diệt bất cứ đối tượng nào mà chúng coi là nguy hiểm.
Ngoài ra, trong giai đoạn rụng trứng, phần "nút cổ tử cung" của phụ nữ sẽ biến thành các rãnh có chiều rộng xấp xỉ đầu của một tinh trùng. Những rãnh này sau đó đóng vai trò như kênh dẫn hoặc "thang" giúp các "con giống" trèo gần hơn tới chỗ của trứng.
Một vài tinh trùng kamikaze "thiện chiến" sẽ phong tỏa các rãnh nói trên để ngăn chặn "tinh binh" của một người đàn ông khác xâm nhập vào bên trong; hoặc chúng sẽ chờ tới khi một số lượng lớn các "con giống" làm nhiệm vụ thụ tinh của chủ nhân lọt vào được bên trong, rồi phong tỏa những chiếc "cổng" này, gia tăng cơ hội gặp trứng cho "đồng đội".
Khi một quý ông nghi ngờ bạn đời của mình không chung thủy, số lượng "sát thủ" kamikaze trong một lần "xuất quân" sẽ tăng lên để đối phó với nguy cơ này. Tuy nhiên, cùng lúc đó, số "tinh binh" làm nhiệm vụ thụ tinh cho trứng trong tinh dịch cũng sụt giảm theo tỉ lệ nghịch, dẫn tới việc giảm cơ hội khiến vợ thụ thai của người chồng.
Tiến sĩ Doe cho biết thêm rằng, giả thuyết cạnh tranh tinh trùng như trên hiện đang gây tranh cãi. Một số chuyên gia thậm chí đã lên tiếng bác bỏ nó.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)