- Việc tìm ra các giải pháp ngăn chặn sự tàn phá của loài rệp sáp bột hồng gây hại cho cây sắn tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á đang trở thành vấn đề cấp bách của giới khoa học.

Nguy cơ lớn

Loài rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti), loài rệp gây hại cho sắn nhiều nhất được phát hiện tại Việt Nam từ tháng 7/2012 sau khi được phát hiện tại Thái Lan (2008) và Campuchia (2009).

{keywords}
Loài rệp sáp bột hồng gây hại nhiều nhất cho cây sắn.

Rệp sáp bột hồng được cho là xâm nhập vào Việt Nam qua việc trao đổi hom giống sắn ở vùng biên giới với Campuchia. Hiện tại, loài rệp này đã được phát hiện trên sáu vùng trồng sắn quan trọng của Việt Nam cũng như Lào, Campuchia, Myanmar và Indonesia, và đe dọa nhấn chìm các vùng trồng sắn trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, rệp sáp bột hồng có khả năng lây lan rất nhanh (qua hom giống, phát tán theo gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên cơ thể động vật, người, công cụ và phương tiện vận chuyển…) nên rất khó phòng ngừa.

Rệp sáp bột hồng sẽ tấn công điểm sinh trưởng của cây sắn, gây hiện tượng chùn ngọn. Nếu bị nhiễm với mật độ cao, có thể gây rụng toàn bộ lá của cây sắn. Từ đó, chất lượng cũng như năng suất cây sắn sẽ bị giảm đáng kể.

Đáng nói hơn, theo nhiều chuyên gia, rệp sáp bột hồng có thể chuyển sang sống trên các lộc non của cây cao su để gây hại trong những điều kiện nhất định. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ rất lớn đối với một nước có trồng cao su như Việt Nam.

"Thật khó để đánh giá tác động chính xác của các loài gây hại và bệnh mới - mặc dù chúng làm giảm năng suất đáng kể và đã lan truyền nhanh chóng trong khu vực khu vực Đông Nam Á", tiến sĩ Kris Wyckhuys, nhà côn trùng thuộc Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) cho biết. "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy sâu hại và dịch bệnh có một tác động gây hại đối với việc  trồng  sắn," ông nói thêm.

Vào những thập niên 80, ở Châu Phi, loài rệp này đã gây hại làm giảm năng suất của cây sắn lên tới 82%, gây ra tác động chưa từng có lên an ninh lương thực địa phương.

Tìm giải pháp

{keywords}
Cận cảnh loài rệp sáp bột hồng gây hại cho cây sắn.

Trước tình hình nói trên, việc tìm ra các giải pháp để ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ loài rệp sáp bột hồng và sâu bệnh nói chung đang trở thành một vấn đề cấp bách bảo vệ cây sắn tại Việt Nam cũng như trong toàn bộ khu vực.

Để phòng trừ rệp sáp bột hồng, việc sử dụng thuốc hóa học để phun trừ đem lại hiệu quả rất thấp chỉ đạt 5% do rệp sống ở những vị trí kín trên cây sắn. Ngoài ra, do rệp có lớp sáp và bột trắng bao phủ trên thân nên thuốc không bám dính hết vào cơ thể và tiêu diệt được chúng.

Kinh nghiệm ở châu Phi cho thấy, phần lớn rệp sắn bây giờ đã được kiểm soát, nhờ có ong ký sinh Anagyruslopezi, một kẻ thù tự nhiên chuyên biệt của dịch hại. Thái Lan ngay từ khi phát hiện loài rệp này lần đầu tiên cũng đã nhanh chóng phóng thích loài ong ký sinh này và đã thu được hiệu quả.

Để tìm được các giải pháp hiệu quả đồng nhằm chống lại các loại sâu bệnh trên cây sắn nói chung và loài rệp sáp bột hồng nói riêng thì việc được sự hiểu biết rộng rãi cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực là rất quan trọng.

“Hiểu biết rộng là cần thiết và hợp tác nghiên cứu giữa các nước là rất quan trọng để giải quyết những mối đe dọa đang nổi lên", Tiến sĩ Trịnh Xuân Hoạt, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ Thực vật nói.

Lê Văn