Các nhà khoa học Đức vừa chế tạo những robot sinh học (biobot) đầu tiên trên thế giới, hoạt động nhờ tinh trùng và có thể điều khiển từ xa bằng nam châm.


Nhà nghiên cứu Oliver Schmidt thuộc Viện các ngành khoa học nano liên kết ở Dresden, Đức đã sáng chế các ống nano từ tính, có chiều dài 50 micrômét (trong đó 1 micrômét = 1/1.000.000 mét) và đường kính khoảng 5 - 8 micrômét, rồi thả chúng vào dung dịch có chứa tinh trùng của bò đực.

Để bắt nhốt các tinh trùng và ngăn không cho chúng thoát ra ngoài, các ống nano được thiết hẹp hơn ở một đầu và có thể được dịch chuyển bằng từ trường. "Thách thức lớn nhất là điều chỉnh kích thước của ống siêu nhỏ xuống đường kính chỉ lớn hơn đầu của tinh trùng một chút, trong khi vẫn duy trì được tính lưu động của phần đuôi tinh trùng", giáo sư Schmidt tiết lộ.

Phần giống như đuôi của tế bào tinh trùng thò ra bên ngoài một đầu của ống nano, đóng vai trò như chân vịt cung cấp động lực cho biobot. Cho mãi tới hiện tại, ông Schmidt và các cộng sự chỉ tìm được cách tạo ra những nhóm tế bào tinh trùng hợp tác nhờ sử dụng vô số hóa chất và từ trường.

Theo giáo sư Schmidt, biobot tí hon chạy bằng tinh trùng có thể được dùng cho những mục đích chuyên chở và vận chuyển theo hướng dẫn của từ trường trong các ứng dụng y - sinh, chẳng hạn như đưa thuốc tới một bộ phận nhất định của cơ thể người.

Nhà nghiên cứu này nói, một ứng dụng tiềm năng, quan trọng nữa là dùng biobot để hỗ trợ sinh sản cho con người. Cụ thể là, các chuyên gia có thể kỹ thuật trên để bắt nhốt các tế bào tinh trùng người vào ống nano, sau đó đưa các biobot chạy bằng tinh trùng này vào tử cung và dùng từ trường định hướng chúng tới vị trí của tế bào trứng.

Ưu điểm của phương pháp này là vô hại với cơ thể và không đòi hỏi có nguồn năng lượng chạy biobot bên ngoài.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)