Vùng loại trừ xung quanh nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Ukraine - nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người - vẫn còn là một nơi đổ nát, điêu tàn. Khu vực này rộng hơn một chút so với vùng cấm có bán kính 20km đang được thiết lập quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật.

Thảm họa hạt nhân Nhật xảy ra không lâu trước lễ kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl, vụ tai nạn nguyên tử tồi tệ nhất của thế giới.

Mặt nạ khí của trẻ em và một con búp bê nằm chỏng chơ tại một nhà trẻ ở thành phố bị bỏ hoang Prypiat gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngày 4/4/2011. Ảnh: Reuters.

Ngay cả sau một phần tư thế kỷ, không ai ở Ukraine được phép sống trong vòng bán kính 30km kể từ nhà máy Chernobyl, mặc dù một số ít những người về hưu từng quả quyết sẽ quay trở lại nơi này để được gần hơn với mộ phần của các thành viên trong gia đình.

Khi lái xe tới sát vùng cấm, bạn có thể nhìn thấy những ngôi làng bị bỏ hoang đang dần dần bị khu rừng nuốt trọn. Những người từng rời bỏ nhà cửa ở đây năm 1986 đã không biết họ sẽ không bao giờ được trở về.

Ghé thăm trung tâm vùng thảm họa

Mặc dù tiêu điều nhưng vùng cấm quanh Chernobyl không hoàn toàn vắng bóng người. Có hàng trăm công nhân đang làm việc tại khu vực này theo các ca luân phiên kéo dài 2 tuần trước khi rời đi để nhường chỗ cho một nhóm khác. Họ ngủ nghỉ và ăn uống trong những nơi trú chân gần nhà máy.

Các địa điểm trong vùng cấm được đánh giá là rất nguy hiểm và tiềm tàng nhiều nguy cơ nên việc viếng thăm nơi này đầy rủi ro. Các nguồn phóng xạ chết người có thể đang ẩn giấu đâu đó dưới bất kỳ tảng đá nào.

Tuy nhiên, các nguy cơ nhìn chung có thể kiểm soát được. Khách viếng thăm đã được phép tiếp cận "quan tài bằng đá" - tòa nhà có đặt lò phản ứng nay đã được chôn vùi bằng bê tông.

Đoàn khách không được bước vào phòng chứa lò phản ứng đã bị hủy hoại nhưng có thể ghé thăm một trong những nơi kỳ dị nhất trong khu liên hợp - buồng kiểm soát lò phản ứng số 4. Đó là một căn phòng tối tăm, bụi bặm đã bị những công nhân săn tìm đồ lưu niệm xới tung. Bạn có thể vẫn nhìn thấy những chiếc bàn và bảng điều khiển, nơi các kỹ thuật viên điều hành lò phản ứng đã ngồi khi xảy ra sự cố.

Phòng điều khiển lò phản ứng số 4 - một trong những nơi dị thường nhất khu liên hợp Chernobyl. Ảnh: AP.

Để tiếp cận gần hơn tới khu vực trung tâm của thảm họa, bạn phải trút bỏ toàn bộ quần áo cá nhân để khoác lên mình y phục bằng vải bông, đội một chiếc mũ cứng, đeo một mặt nạ phòng độc đơn giản và đi ủng - tất cả những thứ bạn sẽ phải bỏ lại khi rời nơi này. Toàn bộ cơ thể của bạn cũng sẽ được quét kiểm tra các nguồn phóng xạ trước và sau khi ghé thăm khu vực giới hạn để chắc chắn rằng không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào.

Những gì từng xảy ra ở đây là viễn cảnh tồi tệ nhất mà nước Nhật đang nỗ lực phòng tránh tại Fukushima.

Ở nhà máy Chernobyl, lò phản ứng đã tự phát nổ, thổi bay mái che, tung các đám mây bụi chứa phóng xạ vào trong không khí và lan rộng khắp châu Âu. Các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng tan chảy hoàn toàn, trộn lẫn với vôi gạch đổ nát ở tầng hầm.

Nguy cơ sụp đổ

Ở 3 lò phản ứng bị hư hại do "thảm họa kép" động đất và sóng thần gây ra tại Nhật hồi tháng 3 vừa qua, nhà chức trách địa phương đã kiểm soát việc rò rỉ phóng xạ tốt hơn nhiều so với trong sự cố Chernobyl, dù vẫn còn những quan ngại về nguy cơ nhiễm xạ nặng của nước biển quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Khi đứng rất gần "quan tài đá" mới được gia cố ở Chernobyl, bạn có thể cảm nhận rõ ràng tình trạng tu sửa không tốt.

Nguy cơ sụp đổ vẫn còn đó và người ta không thể làm bất cứ điều gì để khôi phục các thanh nhiên liệu đã nóng chảy.

Nhà chức trách đã cho xúc tiến việc xây dựng một kết cấu bảo vệ mới, còn được gọi là "hệ thống ngăn chặn". Một khi được hoàn tất, nó sẽ trông giống như một nhà chứa máy bay khổng lồ, có khả năng trượt trên kết cấu bảo vệ cũ nhằm ngăn chặn bất kỳ bụi phóng xạ nào thoát ra và bay vào không khí trong trường hợp xảy ra đổ sụp. Tuy nhiên, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cũng như Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật  lộn tìm cách tằng các nguồn quỹ đầu tư cho công trình.

Các công nhân đã bắt đầu xây dựng kết cấu bảo vệ mới bên ngoài nhà máy Chernobyl. Ảnh: ABC.

Andrey Glukhov, một thành viên đội xây dựng lá chắn bảo vệ mới, từng tham gia vận hành lò phản ứng số 4. Trong thực tế, ông đáng lẽ đã chịu trách nhiệm điều khiển lò phản ứng vào đêm xảy ra vụ nổ định mệnh, nhưng tình cờ, ca làm việc của ông bị thay đổi.

Glukhov đã đưa các vị khách tới thăm nhà riêng của ông ở Pripyat, một thành phố từng có gần 50.000 dân nhưng nay hầu như bị bỏ hoang. Ông kể đã nghe thấy tiếng nổ khủng khiếp khi đang ở trong căn hộ của mình, nhưng ban đầu tiên người dân Pripyat đã không nhận ra mức độ nghiêm trọng của sự cố. Họ đã không sơ tán trong 36 giờ đồng hồ sau đó.

Mắt rưng rưng lệ, ông Glukhov nói: "Khi nhìn ngôi trường mẫu mẫu giáo nơi các con tôi từng theo học, các tòa nhà mà bạn bè của tôi từng sống, tôi cảm thấy xúc động. Một vài trong số họ không còn trụ lại cùng chúng tôi nữa. Điều này thật đáng buồn".

Tại Nhật, người ta hy vọng những hậu quả của sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ không kéo dài lâu đến như vậy.

  • Thanh Bình (Theo BBC)