- Một trong những vùng miền trên đất nước Việt, hiện nay tập trung phong phú nhất các nguồn điện năng, tự nhiên và cả nhân tạo, đó là các tỉnh nằm ở cực nam Trung bộ - Ninh Thuận và Bình Thuận.

{keywords}

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đặc biệt, phải kể đến các nguồn điện thiên nhiên; điện gió (hay phong điện) và điện hiện đại tức điện hạt nhân.

Nhưng cũng lấy làm lạ, trong một vài năm gần đây, tốc độ triển khai các nguồn điện này, ở chính tỉnh Ninh Thuận, lại gặp những trục trặc không đáng xảy ra, không chỉ xuất phát từ việc điều hành của các doanh nghiệp tư nhân quy mô không lớn mà cả của những cơ quan to, đến cả cấp rất cao... dẫn đến tình trang bị “bức tử” hay “hoãn”…

Lấy ví dụ điển hình là Dự án điện gió Phước Hữu và Dự án Nhà máy điện hạt nhân số 1 Ninh Thuận.

“Bức tử” dự án điện gió Phước Hữu

Dự án điện gió thuộc Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp giấy Chứng nhận đầu tư ngày 21/8/2009 với quy mô công suất 50 MW và tổng vốn đầu tư đến 1.495 tỷ đồng. Dự án đáng lẽ phải hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động, theo kế hoạch sau 2 năm, tức vào khoảng cuối năm 2011.

Vậy mà, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đến nay đã hơn 4 năm, Công ty TNHH Đầu tư phát triển điện gió Phước Hữu vẫn chưa hoàn tất thủ tục đất đai, xây dựng để triển khai khởi công. Việc này đã vi phạm Khoản 2, Điều 64 Luật Đầu tư và Điều 8 Thông tư 32/2012/TT-BCT ngày 12/11/2012 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.

Do đó, UBND tỉnh đã quyết định giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các thủ tục để thu hồi dự án.

Hoãn khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận

Sau một thời gian bàn tán không chính thức, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết công khai tại lễ tổng kết năm của tập đoàn Dầu khí (PVN), ngày 15/1 vừa qua, là việc khởi công Dự án xây dựng Nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020.

Đáng lẽ, theo Quyết định 906/2010 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, sẽ hoàn thành việc phê duyệt dự án đầu tư, địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị chuyên gia kỹ thuật nòng cốt để khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Tiếp theo, dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW.

Và đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân là khoảng 8.000 MW và sẽ tăng lên nữa trong những năm tiếp theo. Sau Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ là Ninh Thuận 2 v.v… với công nghệ từ nước Nga. Và sau công nghệ và đầu tư bởi nước Nga sẽ là từ Nhật Bản.

Như vậy, với sự trì hoãn khởi công xây dựng Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận, tiến độ của các nhà máy khác trong quy hoạch cũ sẽ có những xê dịch nhất định.

Nguyên nhân và ảnh hưởng?

Giải thích sự trì hoãn khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đến năm 2020 (thay vì năm 2014 theo kế hoạch), ông Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng: do dự án này còn một số vấn đề quan trọng chưa dứt điểm được.

Cụ thể là phương án tài chính vẫn đang được bàn thảo, chưa ngã ngũ giữa Việt Nam và các nước cho vay. Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vay vốn của Nga và phía Nga đồng ý cho Việt Nam đối ứng 20% vốn của dự án, nghĩa là Việt Nam chỉ bỏ ra 20%, còn lại vay từ Nga. Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 vay vốn của Nhật Bản và phía Nhật lại yêu cầu Việt Nam đối ứng 30% vốn.

Ngoài ra, đối với điện nguyên tử, yếu tố quan trọng hàng đầu chính là lựa chọn công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, do đó việc cần thêm thời gian để Việt Nam có thể lựa chọn công nghệ tối ưu và đào tạo đủ lượng nhân sự tối thiểu cũng là điều cần thiết.

Đây là điều nhiều người quan tâm, đặc biệt sự lo lắng của đội ngủ trí thức vẫn luôn băn khoăn về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân, điều này liên quan đến chất lượng và số lượng chuyên gia được đào tạo.

May mắn là việc trì hoãn tiến độ triển khai các dự án nhà máy điện hạt nhân không gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cấp điện năng của cả nước. Do từ nay đến năm 2020 sẽ có một số dự án điện quan trọng có thể đủ cấp điện cho miền Nam gồm Nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 2, Sông Hậu, Duyên Hải 1, Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4...

Như vậy, sẽ có trên dưới 10 nhà máy nhiệt điện với công suất xấp xỉ 10.000 MW được đưa vào vận hành từ nay đến 2020.

Và chính điều này sẽ khắc phục những trở ngại của sự xoá bỏ Dự án Điện gió Phước Hữu lẫn sự trì hoãn khởi công xây dựng Nhà máy Điện Hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên của Việt Nam.

Trần Minh (tổng hợp)