Các nhà khoa học tại Thượng Hải đã hoàn thành việc thử nghiệm vacine ngừa H7N9 trên chuột và dự tính sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào tháng sau.
Thông tin được đăng tải trên tờ Lao Động Báo của Trung Quốc hôm 8/2.
Các nhà khoa học tại đây đã tiêm vacine vào 30 con chuột thử nghiệm sau đó tiêm vào chúng virus H7N9. Kết quả, sau 30 ngày, chỉ có duy nhất một con chuột tử vong. Những con chuột khác không hề có dấu hiệu bị nhiễm bệnh.
Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công bước đầu vacine ngừa H7N9. |
“Kết quả này đã xác nhận bước đầu tính hiệu quả của vacine”, ông Từ Kiến Thanh, giáo sư tại Viện nghiên cứu phát hiện và tái hiện các bệnh truyền nhiễm Thượng Hải cho biết.
Ông Thanh cho biết thay vì dùng phương pháp tiêu diệt virus truyền thống không hiệu quả đối với chủng virus H7, ông đã đem các gen chính gây bệnh của H7N9 cấy vào thể mang vacine rồi mới đưa vào trong tế bào của cơ thể.
Nhờ vậy, kết cấu protein của virus sẽ không bị thay đổi như với các loại vacine truyền thống, từ đó kích thích cơ thể sản sinh phản ứng miễn dịch hiệu quả hơn.
Theo ông Thanh, việc nghiên cứu vacine ngừa H7N9 đã hoàn thành 2 lần thử nghiệm trên động vật, theo kế hoạch, trong vòng 1 tháng tới sẽ hoàn thành lần thử nghiệm thứ 3.
Sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm trên động vật, từ hơn 100 loại kháng thể sẽ chọn ra những kháng thể tốt nhất để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải trên tờ CBN sau đó 2 ngày, ông Thanh cho biết thêm, quá trình thử nghiệm lâm sàng của loại vacine theo phương pháp mới này phải trải qua 3 giai đoạn và kéo dài ít nhất 6 năm mới có thể cho ra mắt thị trường.
Trong khi đó, vào sáng nay, trong cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, người phát ngôn của ủy ban này là ông Diêu Hùng Văn cho biết, từ năm 2013, các nhà khoa học tại Đại học Chiết Giang đã thu được virus H7N9 tái tổ hợp dựa trên kỹ thuật di truyền ngược, một bước quan trọng trong việc điều chế vacine ngừa chủng cúm này.
Người phát ngôn của ủy ban này cho hay, virus tái tổ hợp của chủng cúm này đã được các cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm định các yêu cầu về kỹ thuật và thông qua. Trong thời gian sắp tới, Trung Quốc sẽ căn cứ trên tình hình phát triển thực tế của dịch cúm để sản xuất vacine và bán ra thị trường.
Những tin tức về tiến triển của việc nghiên cứu và sản xuất vacine ngừa cúm H7N9 được được đưa vào thời điểm chủng cúm này đang lây lan nhanh tại Trung Quốc với số ca bệnh tăng lên hàng ngày.
Hôm 9/2, Trung Quốc ghi nhận thêm 8 ca lây nhiễm mới tại các tỉnh Chiết Giang, Hồ Nam, Giang Tô, Quảng Đông và An Huy cùng một trường hợp tử vong ở Quảng Đông.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, chính quyền Trung Quốc vẫn khẳng định không có bằng chứng cho thấy H7N9 đang lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Lê Văn (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)