Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Monell (Mỹ) phát hiện, mùi ráy tai có thể tiết lộ các thông tin nhận dạng, thậm chí cả thiên hướng tình dục và sức khỏe của chúng ta.


{keywords}
Theo các nhà nghiên cứu, ráy tai là một nguồn thông tin chưa được khai thác, có khả năng tiết lộ nhận dạng và thậm chí cả thiên hướng tình dục của chủ nhân. Ảnh: Getty Images

Tiến sĩ George Preti, nhà hóa học hữu cơ đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu trước đây của chúng tôi từng cho thấy, mùi nách có thể truyền tải một lượng lớn thông tin về một cá nhân, kể cả nhận dạng cá nhân, giới tính, thiên hướng tình dục và tình trạng sức khỏe. Chúng tôi cho rằng, ráy tai có thể chứa đựng những thông tin tương tự".

Ráy tai là một hỗn hợp gồm sản phẩm bài tiết từ các tuyến mồ hôi chuyên biệt với các chất béo từ những tuyến bã nhờn. Ráy tai được chia làm 2 loại: một loại khô, màu trắng và một loại ướt, màu nâu vàng.

Nhà nghiên cứu Preti bắt đầu hướng sự quan tâm tới ráy tai sau khám phá  rằng, một thay đổi nhỏ ở gen ABCC11 có liên quan đến cả sự sản sinh mùi nách và việc một người sẽ có ráy tai khô hay ướt.

Người dân ở Đông Á (chẳng hạn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) cũng như hậu duệ của thổ dân châu Mỹ sở hữu một dạng gen ABCC11 mã hóa việc có ráy tai khô cũng như ít mùi ở nách hơn so với những người thuộc các chủng tộc khác.

Để xem liệu ráy tai có mùi đặc trưng hay không, ông Preti và các cộng sự đã thu thập ráy tai của 16 người khỏe mạnh, 8 người là hậu duệ của chủng tộc da trắng Cáp-ca và 8 người thuộc chủng tộc ở Đông Á. Mỗi mẫu được đặt trong một cái lọ nhỏ và được hun nóng trong 30 phút để giải phóng các phân tử khí là những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Nhiều hợp chất VOC này có mùi.

Kết quả phân tích cho thấy, 12 hợp chất VOC thu được luôn tồn tại trong ráy tai của các đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, lượng VOC thay đổi theo chủng tộc của đối tượng, với người Cáp-ca sở hữu số lượng của 11 trong 12 hợp chất VOC nhiều hơn người Đông Á.

Nhóm nghiên cứu kết luận, về cơ bản, chúng ta có thể thu được thông tin về chủng tộc của một người đơn giản chỉ bằng cách xem xét tai của người đó. Họ nghi ngờ, bản chất chứa chất béo của ráy tai khiến nó trở thành kho chứa tiềm năng đối với các chất tỏa mùi, hòa tan lipid do một số căn bệnh và môi trường sản sinh ra.

Nhà nghiên cứu Katharine Prokop-Prigge chỉ ra rằng, ít nhất 2 căn bệnh chuyển hóa sản sinh ra mùi (bệnh tiểu xiro và bệnh alkaptonuria) có thể được phát hiện ở ráy tai trước khi chúng được chẩn đoán bằng các kỹ thuật truyền thống như xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu.

"Mùi trong ráy tai có thể tiết lộ cho chúng ta biết một người đã ăn gì và người đó đã ở đâu. Ráy tai là một sản phẩm bài tiết của cơ thể người đã bị sao lãng, nhưng thực sự có tiềm năng là một nguồn thông tin vẫn chưa được khai thác", ông Preti nhấn mạnh.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)