Các nhà khoa học rốt cuộc đã giải mã được bí ẩn về một chiếc răng xoắn ốc, dài dị thường thò ra khỏi miệng của kỳ lân biển, một loài cá voi ở Bắc cực.
Chỉ có kỳ lân biển đực mới mọc chiếc răng xoắn ốc, thò dài dị thường ra khỏi miệng. Ảnh: Daily Mail |
Theo các nhà nghiên cứu, chiếc răng dài dị thường mọc từ hàm trên, bên trái chỉ tồn tại ở những con kỳ lân biển đực. Các ngà kỳ lân biển này có thể phát triển tới chiều dài 2,6 mét.
Khi xem xét cấu trúc, nhà nghiên cứu Martin Nweeia thuộc Trường Nha khoa, Đại học Harvard (Mỹ) và các cộng sự phát hiện các rãnh nằm rải rác khắp lớp ngoài cùng của ngà, cho phép nước biển xâm nhập vào răng. Lớp ngoài cùng kết nối với một lớp khác ở bên dưới, gọi là ngà răng, vốn cũng chứa các ống nhỏ. Những ống nhỏ này chạy tới phần trong cùng nhất của ngà - phần tủy, chứa đầy mạch máu và các dây thần kinh.
Các dây thần kinh chạy thẳng từ gốc của ngà kỳ lân tới bộ não, giúp tăng cường khả năng phản ứng của ngà trước những kích thích bên ngoài.
Nhóm nghiên cứu tin rằng, ngà giúp các con kỳ lân biển đực nhận biết các thay đổi trong môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tìm kiếm thức ăn, phát hiện bạn tình và xem các con cái đã sẵn sàng giao phối hay chưa.
Ngà kỳ lân biển đóng vai trò như "thiết bị cảm biến sinh học", giúp chúng nhận biết sự thay đổi của môi trường. Ảnh: Daily Mail |
"Các bằng chứng mới hé lộ, nhiều chức năng khác nhau của ngà kỳ lân biển có thể đã thúc đẩy sự phát triển tiến hóa và tính bền của hệ thống răng ở loài sinh vật này", trích báo cáo nghiên cứu trên tạp chí The Anatomical Record.
Các chuyên gia cũng phát hiện, khi ngà kỳ lân biển tiếp xúc với các mức độ mặn khác nhau của nước, nhịp tim của chúng cũng thay đổi tương ứng theo đó. Điều này một lần nữa chứng thực, kỳ lân biển sử dụng khả năng cảm biến của ngà để điều chỉnh nhịp tim cho phù hợp với độ mặn của môi trường nước.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)