- Đúng 30 năm trước đây, ngày 20/3/1984, chưa đầy 10 năm sau khi đất nước hoà bình thống nhất, tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã hoàn thành công trình khôi phục, mở rộng và nâng cấp lò phản ứng hạt nhân.

{keywords}

Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Lò Hạt nhân Đà Lạt được tổ chức khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động từ đó. Cơ sở khoa học công nghệ hạt nhân quan trọng nhất này của cả nước được quản lý trực tiếp bởi Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được thành lập gần như đồng thời với Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Hà Nội), Viện Công nghệ Xạ hiếm (Hà Nội) và Trung tâm Ứng dụng Hạt nhân (Tp. HCM), và tất cả đặt dưới sự lãnh đạo của Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (trực thuộc Chính phủ cho đến năm 1998).

Viện NCHN Đà lạt tiếp thu chiếc lò phản ứng cũ trước năm 1975 là lò phản ứng TRIGA Mark-2 của Mỹ, công suất 250 kWt, được xây dựng đầu năm 1960. Đến năm 1975, toàn bộ các bó nhiên liệu trong lò đã được chuyển về Mỹ.

{keywords}

Quang cảnh buổi Lễ kỷ niệm tại Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.


Với sự giúp đỡ của Liên Xô, ngày 15/3/1982, công trình trọng điểm cấp Nhà nước khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức được khởi công. Hai năm sau, ngày 20/3/1984, lò phản ứng chính thức được đưa vào vận hành với công suất 500 kWt, gấp 2 lần so với lò TRIGA trước đây.

30 năm qua, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã hoàn thành tốt công tác quản lí, vận hành lò phản ứng, đồng thời khai thác có hiệu quả vào hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ kĩ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hạt nhân.

Viện đã nghiên cứu và sản xuất được 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu dùng trong y tế, công nghệ sinh học và một số ngành kĩ thuật khác; làm tốt công tác ứng dụng công nghệ hạt nhân vào phân tích địa chất, điều tra thăm dò tài nguyên khoáng sản, dầu khí, nông nghiệp, sinh học và môi trường; bảo dưỡng các loại thiết bị điện tử; kiểm soát và khắc phục sự cố phóng xạ.

Bên cạnh các nghiên cưú ứng dụng nói trên, Viện đã tổ chức thực hiện các đề tài, dự án khoa học - công nghệ khác nhau. Đặc biệt, Viện NCHN Đà lạt đã có vai trò nhất định cùng các cơ sở nghiên cứu triển khai và công nghệ các nước tiên tiến, đặc biệt là Liên xô (Nga sau này) trong việc bảo vệ và bảo đảm, chuyển giao an toàn các thanh nhiên liệu độ giàu cao HEU hoặc độ giàu thấp LEU khác nhau, theo đúng các ký kết với Cơ quan quốc tế IAEA hay với các chính phủ Nga, Mỹ…

Viện NCHN Đà lạt cùng với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo một số chuyên ngành vật lỹ, kỹ thuật hạt nhân và hoá phóng xạ. Đặc biệt, với Trường Đại học Đà lạt (cùng được Chính phủ cho thành lập đồng thời với Viện NCHN Đà lạt vào năm 1976), hai cơ sở này đã hình thành mô hình đào tạo phối hợp có kinh nghiệm đối với ngành năng lượng nguyên tử bây giờ và sau này.

Trong 30 năm qua, trường ĐH Đà lạt, nhờ vậy, đã đào tạo được con số chuyên viên kỹ thuật chiếm trên 50% hiện làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử cả nước. Riêng đối với Viện, mỗi năm còn trực tiếp đào tạo 5-7 nghiên cứu sinh thuộc các chuyên ngành Vật lí hạt nhân và Hóa phân tích, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong nước đào tạo nguồn nhân lực và tham gia hợp quốc tế… Qua đó, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành khoa học hạt nhân nói riêng, sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.

Với những thành tích đã đạt được nói trên, trong dịp kỷ niệm lần thứ 30 trọng thể (20/3/1984 – 20/3/2014) này, tập thể cán bộ, nhân viên Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Cũng nhân dịp này, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga ROSATOM đã tổ chức lễ trao tặng kỷ niệm chương cho 6 nhà khoa học có mặt ở Viện từ những ngày bắt đầu tái hoạt động Trung tâm hạt nhân Đà Lạt và có những đóng góp nổi bật vào các thành tích của Viện.

30 năm qua 20/3/1984 – 20/3/2014, quả là thời kỳ đáng ghi nhớ của ngành Năng lượng Hạt nhân VN, mở ra thời đại mới xây dựng nền công nghệ hạt nhân, điện hạt nhân nói riêng, cho đất nước Việt Nam.

Hoàng Hà