Một trong những lời nguyền nổi tiếng nhất thế giới là “Lời nguyền của Pharaoh,” hay còn được biết đến là lời nguyền của vua Tutankhamun.

Kể từ khi hầm mộ của vị vua này được phát hiện tại Thung lũng các vị vua (Ai Cập), những câu chuyện xoay quanh những người phải đối mặt với lời nguyền khủng khiếp vì dám quấy rối nơi yên nghỉ của nhà vua đã trở nên vô cùng hấp dẫn.

{keywords} 

Không kịch tính như việc xác ướp sống dậy trả thù như các bộ phim miêu tả, song nhiều người tin rằng những người có mặt khi hầm mộ được phát hiện đều nhanh chóng trở thành nạn nhân của lời nguyền với những cái chết không rõ lý do. Huyền thoại này thu hút nhiều sự chú ý bởi sự thật là một số người liên quan đến việc tìm ra hầm mộ đã qua đời không lâu sau khi hầm mộ được khai quật.

Cái chết đầu tiên được cho là do lời nguyền là của George Edward Stanhope Molyneux Herbert, bá tước đệ ngũ của Carnarvon. Ông là một quý tộc người Anh cũng là một nhà Ai Cập học nghiệp dư, người đã tài trợ cho công cuộc tìm kiếm.

Cái chết của ông ngày 25/3/1923, chỉ một năm sau khi hầm mộ được khai quật, được tin là một bí ẩn, nhưng sự thật là sức khỏe của ông đã khá yếu trước khi tới Cairo, và ông qua đời bởi một lý do rất thực tế: bệnh truyền nhiễm do muỗi.

Có rất nhiều người liên quan bằng nhiều cách khác nhau tới sự kiện khám phá hầm mộ của Tutankhamun, từ những người bảo vệ tới các nhà khảo cổ học, và cái chết của một số trong những người này chỉ là ngẫu nhiên.

Trong cuốn sách của mình, tác giả James Randi đã viết rằng: “Những người được cho là phải chịu lời nguyền cổ xưa này đã sống tới hơn 23 năm sau khi lời nguyền đáng ra phải có tác dụng. Con gái của Carnarvon qua đời năm 1980, đúng 57 năm sau đó. Howard Carter, người đã tìm ra hầm mộ và tự tay mở quách, cũng như đưa xác ướp của Tutankhamun ra khỏi quan tài sống tới năm 1939, tức là tận 16 năm sau.”

Không chỉ Carter sống tới năm 64 tuổi trước khi qua đời do bênh ung thư, trung sỹ Richard Adamson, một thành viên trong nhóm khảo cổ của Carter, người bảo vệ phòng đặt quan tài trong 7 năm và là người châu Âu tiếp cận gần nhất với xác ướp của Tutankhamun cũng sống tới 60 năm sau trước khi qua đời năm 1982. “Tuổi trung bình khi qua đời của những người trong nhóm khảo cổ là khoảng hơn 73 tuổi, hơn hẳn so với những người cùng tầng lớp sống cùng thời khoảng 1 năm. Lời nguyền của Pharaoh có vẻ đã mang lại lợi ích cho họ,” Randi viết.

Vậy những lời đồn đại về lời nguyên bắt nguồn từ đâu? Theo Randi: “Khi hầm mộ được phát hiện và khai quật năm 1922, đó là một sự kiện khảo cổ vĩ đại. Để tránh sự theo dõi sát sao của báo giới và cũng đồng thời cho họ một khía cạnh tiếp cận, trưởng nhóm khai quật là Howard Carter đã lan truyền câu chuyện về lời nguyền sẽ ám lên bất cứ ai xâm phạm nơi an nghỉ của nhà vua.”

Carter không nghĩ ra ý tưởng về lời nguyền, nhưng ông đã lợi dụng nó để ngăn những kẻ đột nhập khỏi phát hiện lịch sử của mình. Thực tế, không chỉ hầm mộ của Tutankhamun mà hầm mộ của các thành viên hoàng tộc khác cũng có lời nguyền y hệt, và tất cả đều được khai quật mà không có gì xảy ra.

Howard Carter không phải người duy nhất cố ngăn những kẻ trộm mộ bằng một tai họa siêu nhiên. Một nhà văn nổi tiếng khác cũng viết một lời nguyền tương tự. “Cầu Chúa ban phước cho người không tham lam, và nguyền rủa kẻ xâm phạm đến hài cốt của ta,” đó là những gì viết trên bia mộ của William Shakespeare năm 1616.

Shakespeare là một trong số những người rất lo lắng về vấn đề trộm mộ; tại thời điểm đó cũng như rất lâu về trước, trộm mộ hết sức phổ biến. Là nhà viết kịch nổi tiếng nhất thế giới, Shakespeare đã cố để ngăn chặn sự xúc phạm lớn nhất tới danh tiếng của mình: bị những kẻ trộm quật mộ với bất cứ lý do gì, do căm ghét hay do muốn bán xác để thực hiện các thí nghiệm y học.

Bất kể Howard Carter, vua Tutankhamun hay William Shakespeare có tin vào lời nguyền hay không, điều quan trọng là những người có khả năng xâm phạm đến mộ phần tin vào điều đó. Và nó đã có hiệu quả. Đã gần một thế kỷ sau khi mộ của vua Tutankhamun được khai quật, rất nhiều người vẫn tin vào lời nguyền.

(Theo Vietnam+)