- 9h sáng nay, 31/3/2014, Phó chủ tịch World Bank Axel Van Trotsenburg đang
tham gia thảo luận trực tuyến với độc giả VietNamNet
về các thách thức và giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Nhà báo Bùi Bình Minh và Phó chủ tịch World Bank Axel Van Trotsenburg (bên phải) tại buổi Giao lưu trực tuyến về Biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Văn. |
Biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Ảnh: Mùa lũ ở Đồng Tháp của tác giả Nguyễn Hoàng Anh. |
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể sẽ làm trầm trọng thêm những nguy cơ sẵn có đối với tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng và sức khỏe và đặt ra những mối đe dọa lớn cho phát triển kinh tế và con người, cũng như môi trường. Người nghèo và cộng đồng nghèo ít có khả năng thích ứng sẽ là nhóm bị tác động nặng nề hơn.
Xu hướng phát thải khí nhà kính toàn cầu cho thấy đến năm 2100, trái đất có thể sẽ nóng thêm 4 độ C và khiến Việt Nam sẽ phải gặp phải sự thay đổi nhiệt độ lớn, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các thảm họa thiên nhiên và mực nước biển dâng đã và đang gây ra những hậu quả nặng nề đối với con người và tài sản, gây ra những ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng và giảm nghèo, và tới nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Trong hai thập kỷ qua, ước tính mỗi năm Việt Nam đã thiệt hại từ 1% đến 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn như cơn bão Xangsane năm 2006 đã gây thiệt hại tới 1,2 tỉ đô la Mỹ ở 15 tỉnh ở khu vực miền Trung.
Mặc dù Việt Nam chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí này của Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 2000 đến năm 2010, lượng khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam đã tăng 180% và tổng lượng khí thải nhà kính tăng 150%.
Chính phủ Việt Nam đang thể hiện cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và tăng trưởng xanh, áp dụng phương thức liên lĩnh vực tập trung vào thích ứng và tăng cường nỗ lực để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới đang triển khai 19 dự án tập trung vào các chương trình giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu thông qua phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, và các dự án giao thông phát thải các-bon thấp; các chương trình thích ứng khí hậu thông qua nông nghiệp thông minh với khí hậu, khả năng phục hồi sau các thảm họa liên quan tới khí hậu và quản lý nguồn tài nguyên nước. Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cũng giúp Việt Nam tiến hành các nghiên cứu về phát triển ít phát thải khí nhà kính, lựa chọn ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu trong lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rà soát chi tiêu công cho biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực thể chế, chính sách và phối hợp đa ngành, v.v…
Tại sao cần phải quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu? Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào? Đâu là những động lực để các nước đang phát triển chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu? Mỗi chúng ta có thể làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu? Ngân hàng Thế giới có lời có thể giúp gì cho Việt Nam trong vấn đề này?
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cuối tháng 3/2014, ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã đến thăm Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam và cũng là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi mực nước biển dâng.
Ông van Trotsenburg quản lý một danh mục đầu tư trị giá 30 tỷ USD vốn vay, tín dụng ưu đãi, tín dụng không hoàn lại ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ông chỉ đạo việc thực hiện chiến lược của Ngân hàng Thế giới trong khu vực nhằm hỗ trợ các nước đối phó với bốn thách thức chính: thiên tai, nghèo và bất bình đẳng, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, và xây dựng chính phủ hoạt động vì người dân.
Vào lúc 9h sáng ngày thứ Hai, 31/3/2014, ông Axel Van Trotsenburg sẽ tham gia thảo luận trực tuyến trong vòng 1 tiếng với độc giả VietNamNet về các thách thức và giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Xin mời độc giả đặt câu hỏi và thảo luận với ông Axel Van Trotsenburg tại đây.
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
- Bạn đọc Vũ Minh Hường , Nữ - 32 Tuổi
Đâu là những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu? Biến đổi khí hậu ở Việt Nam là do người dân Việt Nam gây ra hay còn chịu ảnh hưởng toàn cầu? Những hoạt động nào của con người đóng góp nhiều nhất vào biến đổi khí hậu?
Trước hết tôi xin được gửi lời chào tới độc giả VietNamNet. Hôm nay chúng ta sẽ cùng trao đổi về một trong những vấn đề, thách thức nghiêm trọng nhất của toàn cầu hiện nay, đó chính là biến đổi khí hậu.
Ông Axel Van Trotsenburg, Phó chủ tịch World Bank trong buổi Giao lưu trực tuyến. |
- Ông Axel Van Trotsenburg:
Câu hỏi của bạn là về nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Đây là một câu hỏi rất quan trọng, vì có những nguyên nhân mang tính toàn cầu cũng như những nguyên nhân của chính nước sở tại. Những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu tại VN cũng giống như ở các nước khác, đó là sử dụng năng lượng, các hoạt động trong giao thông, phát triển đô thị, quản lý tài nguyên thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp...
Chúng ta cũng thấy là ở những quốc gia khác nhau sẽ có hoàn cảnh khác nhau. Một số nước việc sử dụng năng lượng là nguyên nhân lớn nhất. Một số nước khác thì hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp lại là nguyên nhân chính, ví dụ như cháy rừng. Đây là một trong những nguyên nhân rất quan trọng. Vì vậy chúng ta cần xem xét hoàn cảnh từng nước và xem đâu là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Và trong quá trình phân tích nguyên nhân, chúng ta ko chỉ nhìn vào lượng khí carbon đang được thải ra, mà còn cần nhìn vào hoàn cảnh trong tương lai. Nhu cầu sử dụng năng lượng của các nước sẽ tăng lên nhiều và chắc chắn việc đó sẽ tác động đến biến đổi khí hậu trong tương lai.
- Bạn đọc Lương Ngọc Cương , Nam - 38 Tuổi
Từ hàng triệu năm nay, có nhiều thời điểm diễn biến thời tiết rất phức tạp, nay lại cộng với biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nên khi có các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra (như rét hại, mưa tuyết dày như mùa đông năm 2013 vừa qua, hay cơn bão Haiyan năm qua...) thì liệu có phải là ảnh hưởng của biến đổi khí hay không? Nếu có thì biến đổi khí hậu đóng góp bao nhiêu phần trăm, hay do quy luật diễn biến thời tiết là như vậy không có tác động của biến đổi khí hậu thời kỳ hiện đại?
Ông Axel Van Trotsenburg: Đây là một câu hỏi rất hay. Trong quá trình phát triển từ trước tới nay, chúng ta đã chứng kiến rằng thời tiết luôn biến đổi, cái mà chúng ta quan sát được là những thứ chưa từng có từ trước tới nay và cái tốc độ nóng lên của TĐ đang ngày càng tăng lên đang tăng lên với một tốc độ chúng ta chưa từng thấy trong quá khứ.
Và để có thể đánh giá được những biến đổi của tự nhiên cũng như những biến đổi do tác động của con người, cộng đồng quốc tế và LHQ đã thành lập 1 ủy ban bao gồm các nhà khoa học nổi tiếng trên toàn cầu... để đánh giá những nguyên nhân gây ra những thay đổi hiện nay.
Ủy ban này của LHQ có sự đóng góp trí tuệ của hàng ngàn nhà khoa học. Kết luận, ngày càng có nhiều bc về sự gia tăng của biến đổi khí hậu là do con người, công dân thế giới chính là tác nhân gây ra những vấn đề quan sát được hôm nay.
Và tôi cũng muốn làm rõ 1 điều: Khi thấy các mùa đông rất lạnh, ngày xưa khi còn nhỏ cũng không có đợt lạnh như vậy. Đây là bằng chứng chứng tỏ biến đổi khí hậu đang diễn ra. Tôi muốn đưa ra cảnh báo về kết luận như thế này. Các nhà khoa học nghiên cứu các bằng chứng, họ nghiên cứu xu hướng và họ cho thấy Trái đất đang nóng lên.
|
- Bạn đọc Minh Hiền , Nữ - 23 Tuổi
Xin ông cho biết một số ví dụ cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam?
Ông Axel Van Trotsenburg: Có lẽ tác động rõ rệt nhất là ở vùng Đồng bằng Sông cửu long, nơi hiện tượng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, xói mòn ở bở biển, tăng xâm mặn... tác động lớn đến đời sống người nông dân.
Mỗi năm VN tổn thất 1-1.5 % GDP. Đây là những tổn thất thực tế mà người dân phải thực sự gánh chịu từ biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy những tác động nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết cực đoan như cơn bão năm 1996 tại VN. Các nước khác cũng chịu tổn thất tương tự như bão Hải yến cuối năm ngoái. Đây là trận bão đã gây ra thiệt hại về người, hàng nghìn người đã thiệt mạng. Đây chính là tổn thất về người mà biến đậu khí hậu đã gây ra cho chúng ta.
Và cái tác động hiện hữu cuối cùng mà chúng ta nhắc đến ở đây là mực nước biển dâng. Đặc biệt tại các vùng ven biển thì mực nước biển dâng sẽ gây ra tác động đáng kể.
Sẽ có tác động rất lớn đến đời sống cũng như sinh kế của người dân sinh sống ở khu vực ven biển.
- Bạn đọc Lương Ngọc Cương , Nữ - 38 Tuổi
Các nước đang phát triển như Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu hơn các nước phát triển, trong khi đó đóng góp tỷ lệ phát thải khí nhà kính lại thấp hơn các nước phát triển. Vậy làm thế nào để các nước phát triển hỗ trợ một cách xứng đáng cho các nước đang phát triển như Việt Nam để thích ứng với biến đổi khí hậu?
Ông Axel Van Trotsenburg: Như bạn đã đề cập, việc phát thải nhà kính có ảnh hưởng tới tất cả các nước. Các nước đang phát triển hiện đã bắt đầu các công việc ở quốc gia của họ trước đã. Hiện nay họ cũng đang có các áp lực, đầu tư rất nhiều tỷ USD để cải thiện tình hình ở nước họ. Cộng đồng quốc tế cũng có thể hỗ trợ trong lĩnh vực này và hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. Tôi lấy ví dụ chúng tôi có thể hỗ trợ về mặt tài chính. WB cũng đã thay đổi định hướng hỗ trợ tài chính cho Việt Nam, nhìn vào tỉ trọng các dự án, thì những dự án có tác động trực tiếp hoặc giúp giảm biến đổi khí hậu chiếm 25% tổng dự án, tính cả các dự án ảnh hưởng gián tiếp thì sẽ chiếm tới 80% tổng dự án mà chúng tôi đang có. Tất cả chúng ta đều phải thay đổi, kể WB để cơ chế tài trợ, WB có trách nhiệm phải hành động. Cả các nước phát triển và đang phát triển cũng phải thay đổi và tự làm. Nếu chúng ta làm tốt thì sẽ có ích cho chúng ta, nếu có thể tiết kiệm đầu vào, tạo ra môi trường tốt hơn. Giải pháp cho tất cả các bên đều thắng, có lợi cho các bên.
- Bạn đọc Nguyễn Ngọc Sơn, Nam - 20 Tuổi
Khi nói về các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu thì việc thực hiện chúng thường gặp khó khăn do thiếu nhận thức đúng đắn về vấn đề và chúng thường không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể, vậy để giải quyết điều này ta có những biện pháp kinh tế nào (ví dụ như đánh thuế carbon) nhằm tạo ra một cơ chế giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu, hay thậm chí tạo ra lợi nhuận từ công việc ngăn chặn đó?
Ông Axel Van Trotsenburg. |
Ông Axel Van Trotsenburg: Đây là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Sẽ không có một biện pháp duy nhất nào có thể ứng phó được với biến đổi khí hậu mà chúng ta cần một chuỗi tổng thể các biện pháp kết hợp với nhau.
Biện pháp đầu tiên chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức. Cho dù là ở Việt Nam hay ở 1 nước nào khác thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ... chúng ta cần xây dựng nhận thức chung của tất cả mọi người rằng biến đổi khí hậu là vấn đề chung của toàn cầu, mọi người đều phải có trách nhiệm chứ không phải của riêng một nước nào. Chúng ta cần những hành động ở cấp toàn cầu, cấp quốc gia và cấp địa phương.
Trên cơ sở xác định những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu ở nước mình, các nước cần đưa ra những chiến lược thực sự hiệu quả để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hầu hết các nước sẽ cần xem xét lại tình hình sử dụng năng lượng của mình, làm sao cho tiết kiệm và hiệu quả hơn. Họ cũng cần xem xét, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để giảm bớt tác động của việc sử dụng năng lượng lên phát thải khí nhà kính. Lấy thí dụ, chúng ta có thể sử dụng nhiều năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng thủy điện hơn... Ở những nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý rủi ro thiên tai, đưa ra những biện pháp đảm bảo khả năng chống chịu của các đô thị và nông thôn trong quá trình phát triển. Đây là những biện pháp hết sức quan trọng mà chúng ta cần thực hiện.
Và để đạt được hiệu quả trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta cần đưa ra được những chính sách để hiện thực hóa các thay đổi, đưa ra được những biện pháp, những hình thức khuyến khích, đồng thời cần có những quy định từ phía chính phủ. Trong quá trình thực hiện, cần nhớ rằng chúng ta đều có vai trò quan trọng, từ chính phủ, khu vực tư nhân cho đến người dân ...Tất cả đều cần phải đóng góp tích cực để hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc ứng phó một cách có ý thức với biến đổi khí hậu.
Điểm cuối cùng mà tôi muốn nói, là vì tất cả mọi người đều phải tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nên việc điều phối, kết hợp là hết sức quan trọng. Chúng ta cần 1 khung thể chế trong đó mọi người lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau thực hiện các phân tích. Thể chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, theo dõi tình hình, giúp chúng ta nêu bật được sự cần thiết phải hành động. Chính vì vậy, cần thiết lập thể chế một cách khẩn trương, cấp bách, cả ở cấp quốc gia lẫn quốc tế.
Đối với ngân hàng Thế giới, chúng tôi sẽ phải làm tròn phần trách nhiệm của mình. Giờ đây chúng tôi đang có hoạt động trên toàn cầu, hợp tác cùng LHQ và các đối tác khác để xây dựng nhận thức, nâng cao nhận thức. Gần đây chúng tôi đã xuất bản sách về những tác động khi Trái đất nóng lên 4 độ C. Chúng tôi cũng hợp tác trực tiếp với các nước giống như VN để ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu
Chúng tôi nhìn nhận vai trò của mình là nâng cao nhận thức, tạo ra nhận thức, cùng tham gia các liên minh và chủ động cùng các nước hợp tác, hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
- Bạn đọc Nguyễn Hồng Nhung , Nữ - 31 Tuổi
Ngân hàng Thế giới và bản thân ông chắc hẳn đã hỗ trợ nhiều quốc gia để chống lại biến đổi khí hậu. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ các nước khác có cùng trình độ phát triển với Việt Nam trong lĩnh vực này?
Ông Axel Van Trotsenburg: Một điều rất tuyệt vời ở WB là chúng tôi có 180 quốc gia thành viên. Chúng tôi có thể học được nhiều điều và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước.
Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm theo 2 kênh: Kênh thứ nhất là nghiên cứu. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu ở tất cả các nơi, từ Brazil đến Nga, từ Ấn Độ đến Nam Phi, từ Nigeria đến Việt Nam. Đây là những kinh nghiệm mà chúng tôi chia sẻ ở phạm vi toàn cầu.
Kênh thứ hai là chúng tôi can thiệp thông qua các dự án của mình. Mỗi năm WB cam kết dành 50 tỷ USD để hỗ trợ cho các quốc gia và một tỷ trọng ngày càng tăng trong số tiền đó là dành cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng tôi qua thực tế cũng đang học được rất nhiều bài học, kinh nghiệm thiết thực để chống lại biến đổi khí hậu.
Chúng tôi cũng xác định các biện pháp khác nhau để tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Tuần trước chúng tôi đã phối hợp cùng cơ quan chức năng TQ công bố một báo cáo cực kỳ quan trọng về đô thị hóa tại TQ. Dự kiến nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tại nước này trong vòng 16-17 năm tới sẽ tăng lên tới 5,4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên nếu TQ sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn thì nguồn đầu tư có thể cắt giảm được 25%, sẽ cải thiện được đáng kể chất lượng cuộc sống, cải thiện không khí và chất lượng môi trường nói chung.
Tại VN, hiện chúng tôi đang ở giai đoạn cuối để hoàn thiện 1 nghiên cứu phát triển theo hướng it phát thải carbon tại VN, chúng tôi nghiên cứu các lựa chọn về phát triển ít phát thải mà VN vẫn thỏa mãn được nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao trong tương lai, mặt khác vẫn xác định được các nguồn năng lượng sạch có thể sử dụng trong tương lai để giảm hiệu ứng nhà kính. Bằng cách đó chúng ta sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong tương lai.
- Bạn đọc Bùi Văn Hải, , Nam - 62 Tuổi
Độc giả Bùi Văn Hải, Nam, 62 tuổi: Đề nghị Ngài giới thiệu cho độc giả biết về những hoạt động của Ngân hàng thế giới trong việc truyền thông về biến đổi khí hậu và phòng tránh rủi ro thiên tai tại Việt Nam năm vừa qua.
Ông Axel Van Trotsenburg: Hiện nay chúng tôi đang phối hợp hết sức tích cực với các cơ quan đối tác của VN trong việc cộng tác phân tích cũng như nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này. Thứ hai, chúng tôi cũng đang có các dự án hết sức cụ thể để giúp cải thiện tình hình.
Hiện nay mỗi năm WB hỗ trợ tài chính cho VN với số tiền là khoảng 1,5 tỉ USD, và trong tổng số các vốn vay này, các dự án hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu một cách trực tiếp hay gián tiếp chiếm tới 80%.
Tôi có thể lấy ví dụ cụ thể về những lĩnh vực WB đang hợp tác và hỗ trợ VN. Thứ nhất là quản ký rủi ro thiên tài, thứ hai là quản lý phát triển đô thị, giải quyết các vấn đề trong quản lý cấp nước, kể cả cấp nước đô thị và nông thôn. Chúng tôi cũng có các hoạt động hỗ trợ nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, giao thông ... Tôi cũng xin gợi ý là, chúng tôi đang có hợp tác chặt chẽ với VN, chúng tôi rất muốn quý vị độc giả biết chúng tôi đang làm gì. Tôi mong muốn quý vị thăm trang web của chúng tôi, với địa chỉ www.worldbank.org.vn, tại đó, các quý vị sẽ thấy được thông tin về các dự án của chúng tôi. Nếu như quý vị lên trang web và thấy không có đủ thông tin mình mong muốn, quý vị có thể đến trực tiếp văn phòng của chúng tôi tại 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội hoặc liên hệ với chúng tôi qua vietnam@worldbank.org. Đây là một điều hết sức quan trọng và chúng tôi luôn muốn cùng hợp tác và chia sẻ cùng quý vị.
- Bạn đọc Thu , Nữ - 34 Tuổi
Thưa ngài, đối tượng nào (ví dụ: thanh niên thành phố, doanh nhân, nông dân...) có tác động mạnh nhất tới quá trình biến đổi khí hậu ở Việt Nam? Nhiều người VN còn hoài nghi với các thông điệp biến đổi khí hậu, ví dụ không tin rằng Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu. WB có nhận xét như thế nào về tình trạng hoài nghi này, nguyên nhân và cách giải quyết như thế nào?
Ông Axel Van Trotsenburg:
Đây là một câu hỏi vô cùng mấu chốt và tôi rất mừng là đã nhận được câu hỏi này.
World Bank chúng tôi vô cùng quan ngại là một số người trong số chúng ta đang có thái độ có vẻ như là hơi thoải mái, tự do của "những người đi theo", kiểu như là Chúng ta hy vọng hàng xóm của mình sẽ làm một cái gì đó, còn mình không chịu trách nhiệm gì cả, cũng không hành động gì cả. Đây là một rủi ro rất lớn, bởi nếu chúng ta không hiểu được tác động của biến đổi khí hậu ngày hôm nay, rồi ngày mai, không hiểu được khi nào thì biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến đời sống con cháu chúng ta thì chúng ta sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề.
Đó chính là lý do vì sao mà World Bank đang tham gia vào một chiến dịch nâng cao nhận thức trên phạm vi toàn cầu. Nhưng không phải chỉ có một mình World Bank mà chúng tôi còn bắt tay cùng nhiều đối tác khác như LHQ, Xã hội dân sự, các quốc gia cùng nhiều tổ chức.
Nói ngắn gọn thì biến đổi khí hậu đã là 1 vấn đề hiện hữu rồi, chứ không còn là giai thoại hay câu chuyện nữa. Thời điểm chúng ta cần hành động chính là bây giờ.
Chúng ta cũng không còn phải đặt ra câu hỏi là người nông dân hay người doanh nhân, bà nội trợ hay ai khác phải đóng góp nhiều hơn, ai có tác động nhiều hơn trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu mà tất cả chúng ta đều phải hành động. Tất cả đều phải xác định cơ hội mà chúng ta có thể tạo ra được sự khác biệt.
Lấy thí dụ, người dân có thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn, doanh nhân có thể tìm cơ hội sử dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, người nông dân có thể áp dụng các tập quán canh tác thông minh trong điều kiện thích ứng với biển đổi khí hậu, ví dụ cách trồng sản phẩm nông nghiệp thân thiện hơn với môi trường, bền vững hơn về mặt môi trường. Nói cách khác, chúng ta phải tạo ra được một liên minh trên toàn cầu, không loại trừ một ai mà phải bao hàm tất cả mọi người.
Chúng ta cần tạo ra một cơ chế trách nhiệm chung trên toàn cầu, giải quyết vấn đề thái độ của những người "đi theo" mà tôi đã nói đến ở trên.
- Bạn đọc Phạm Văn Thành, Nam, 60 tuổi.
WB có cho rằng Khu vực Tư nhân và NGOs địa phương sẽ có vai trò tích cực và hiệu quả để tham gia giải quyết vấn trên ? và nếu có, thì Chính sách của WB để khích lệ và thúc đẩy sự tham gia của họ là gì ?
Ông Axel Van Trotsenburg: Theo tôi, khu vực tư nhân có thể có đóng góp rất lớn trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như họ có thể sản xuất theo cách thân thiện hơn với môi trường, đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Họ cũng tìm ra những chiến lược để tiết kiệm năng lượng, cải thiện khả năng sinh lời của mình.
Các NGOs cũng đóng vai trò rất quan trọng trong liên minh lớn này của chúng ta. Họ có động lực rất lớn và chúng ta phải tranh thủ sự nhiệt tình cũng như ý kiến đóng góp của họ để tạo ra được nhận thức toàn cầu, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức ở từng quốc gia một. Và chúng ta cũng có thể sử dụng các NGO để tạo ra ý thức, tinh thần khẩn trương hành động, hành động cùng nhau.
Tất cả chúng ta đều cần đối tác và cần tạo ra một liên minh toàn cầu, không loại trừ một ai.
Dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi của độc giả VietNamNet tiếp tục gửi đến, nhưng do thời gian có hạn, nên ông Axel Van Trotsenburg xin phép chia tay bạn đọc và sẽ trả lời các câu hỏi còn lại sau qua email.
Chia sẻ trước giờ chia tay độc giả VietNamNet ông Axel Van Trotsenburg cho biết:
Tôi rất biết ơn vì sáng nay có cơ hội để thảo luận với quý độc giả về vấn đề biến đổi khí hậu. WB cực kỳ quan tâm tới vấn đề này và chúng ta cùng nhau cần phải hành động. Chúng tôi đang hướng tới cách tiếp cận hành động ở cấp độ toàn cầu, hành động ở cấp độ quốc gia và hành động ở cấp độ địa phương, cơ sở. Chúng tôi cần sự tham gia của tất cả quý vị và chúng ta phải cùng nhau biến mong muốn thành hiện thực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi cảm thấy rất khích lệ mà quý vị độc giả đã gửi đến. Tôi rất muốn có cơ hội được quay trở lại để trao đổi với các quý vị. Các đồng nghiệp của tôi ở WB tại VN cũng rất mong muôn trao đổi hợp tác với các quý vị. Chúng ta hãy cùng tìm ra những hành động có thể cùng nhau làm để ứng phó với biến đổi khí hậu và nếu quý vị quan tâm hơn đến hoạt động của WB tại VN, quý vị có thể ghé thăm trang web của chúng tôi www.worldbank.org.vn để biết WB đang có hành động gì liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Và chúng ta cùng hy vọng có thể có được những tiến triển tốt trong nỗ lực. Đề nghị quý vị hãy tiếp tục tham gia và những ai chưa tham gia thì hãy tham gia. Tất cả chúng ta cần phải hành động càng sớm càng tốt. Xin cảm ơn tất cả các quý vị.
Buổi Giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 10h03 phút.
- VietNamNet