Dịch Ebola vừa bùng phát ở Tây Phi đang gây rúng động dư luận thế giới, do virus gây bệnh rất dễ lây lan, khả năng gây tử vong cao, trong khi chúng ta hiện vẫn chưa có cách chữa trị hay vắc-xin phòng ngừa.

Một nhân viên y tế đã kể về những cảnh tượng kinh hoàng mà các bác sĩ cùng y tá phải chứng kiến trong cuộc chiến chống lại dịch Ebola bùng phát ở Guinea. Theo Naoufel Dridi, chuyên gia thuộc tổ chức nhân đạo Bác sỹ không biên giới (Médecins Sans Frontìeres - MSF), virus Ebola là một trong những mầm bệnh nguy hiểm nhất Trái đất. Căn bệnh sốt xuất huyết do virus này gây ra đang khiến "10 người, chết 9".

Ông Dridi đang tham gia điều phối công việc hỗ trợ kiểm soát dịch Ebola của MSF tại Guinea. Số ca nghi nhiễm bệnh tại quốc gia Tây Phi này hiện lên tới 122 trường hợp, trong đó ít nhất 80 người được tin đã tử vong.

Ông Dridi nói, trong 13 năm làm việc cho MSF, ông chưa bao giờ vào đối mặt với nhiều ca tử vong cao đến như vậy trong một khoảng thời gian ngắn. "Bạn sẵn sàng giúp người bệnh có được cốc nước mát, nước ép hoa quả hay bất kỳ thứ gì họ muốn, vì bạn biết rằng, họ thực sự chẳng có mấy cơ hội để sống sót. Và trong không đầy 1 giờ đồng hồ sau, người đó nhiều khả năng sẽ chết ... Việc một bệnh nhân có thể sống sót hay không phụ thuộc vào khả năng chống chọi bệnh của cơ thể họ", ông Dridi cho hay.

Ebola lây nhiễm sang người từ động vật, đặc biệt là dơi ăn hoa quả. Bệnh thường bùng phát gần các khu rừng nhiệt đới ở Trung và Tây Phi. Các bệnh nhân nhiễm virus ở mức cấp tính thường có triệu chứng đột ngột bị sốt, đau cơ, đau đầu và đau cổ họng, tiếp theo là nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy chức năng thận và gan. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị chảy máu cả bên trong và bên ngoài.

Virus Ebola được xếp vào dạng "sát thủ" hàng đầu thế giới, vì rất dễ lây lan, gây bệnh vô cùng đau đớn và có khả năng truyền nhiễm cho người chỉ thông qua tiếp xúc với cơ thể nạn nhân đã thiệt mạng vì virus. Hiện, y học vẫn "bó tay" trong việc chữa trị cũng như điều chế vắc-xin phòng ngừa Ebola.

Tất cả các nhân viên MSF tham gia kiểm soát dịch đều phải mặc đồ bảo vệ chuyên dụng toàn thân để tránh nhiễm mầm bệnh. Tuy nhiên, các nhân viên y tế cũng như gia đình bệnh nhân đang phải chống chọi với rất nhiều khó khăn để đưa họ tới những lán trại cách ly, nhằm ngăn virus Ebola tấn công nạn nhân khác.

Dịch Ebola mới bùng phát là dạng đầu tiên kiểu này ở Tây Phi trong vòng 2 thập niên trở lại đây, và là đầu tiên trong lịch sử Guinea. Các quốc gia Tây Phi khác, kể cả những nước láng giềng như Sierra Leone và Libera, đã phát hiện các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Nhiều nước đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bùng phát bằng cách ban hành các lệnh giới hạn đi lại hoặc siết chặt kiểm soát y tế.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, CNN, EuroNews)