Trẻ em có thể vô tình đang phải tiếp xúc với lượng lớn hóa chất gây hại phát tỏa từ đệm mút dùng để ngủ, theo một nghiên cứu mới.
Đệm dùng trong nôi, cũi của trẻ em được phát hiện đang tỏa ra lượng hóa chất VOC tương đương sàn gỗ và giấy dán tường. Ảnh minh họa: Daily Mail |
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến hành kiểm nghiệm những mẫu bọt xốp polyurethane (cao su xốp) và bọt xốp polyester (mút bông) dùng để làm đệm trải cũi cho trẻ em. Tất cả các mẫu này được trích lấy từ cả loại đệm cũ và mới của 10 hãng sản xuất khác nhau, phổ biến trên thị trường.
Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, ông quyết định xúc tiến công trình này sau khi nhận thấy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dành tới 50 - 60% thời gian trong ngày để ngủ. Các bé được cho là rất dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe do việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí trong phòng kín.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu đệm đã phát tỏa ra lượng lớn những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) - các hóa chất có khả năng gây hại, tồn tại trong cả những vật dụng gia đình khác như máy hút bụi hay bình xịt nước hoa. Trong đó, lượng VOC phát thải từ những loại đệm mới cao gấp 4 lần những loại đệm cũ.
Theo nhóm nghiên cứu, nhiệt nóng của cơ thể làm gia tăng phát thải các chất VOC từ đệm. Việc phát thải hóa chất cũng mạnh nhất ở vùng thở trực tiếp của đứa trẻ đang ngủ.
Ngoài ra, do trẻ hít vào lượng không khí tính trên trọng lượng cơ thể cao hơn đáng kể so với người lớn và ngủ nhiều hơn, các em có nguy cơ hít phải VOC cao gấp 10 lần so với người lớn ở cùng môi trường tiếp xúc hóa chất.
Tính tổng cộng, đệm trẻ em phát thải các chất VOC với tốc độ tương đương những sản phẩm gia dụng và vật liệu trong nhà khác, kể cả sàn gỗ (20 - 35 microgram/m2 mỗi giờ) và giấy dán tường (51 microgram/m2 mỗi giờ). Các chuyên gia đã nhận diện được hơn 30 chất VOC trong đệm trẻ em, bao gồm cả phenol, axit neodecanoic và linalola.
Nhà hóa học Charles J. Weschler, chuyên gia về chất lượng không khí trong nhà đến từ Đại học Rutgers (Mỹ), cho rằng nồng độ hóa chất trong đệm mút dành cho trẻ em chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã cung cấp phát hiện vô cùng hữu ích, giúp cảnh báo chúng ta về việc đệm trẻ em là một nguồn phát tỏa hóa chất đáng kể trong môi trường dành cho các bé.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các bậc phụ huynh nên tái sử dụng đệm cũ cho trẻ hoặc phơi, hong gió đệm lâu hơn để giảm việc tiếp xúc với hóa chất VOC. Việc tái dùng đệm cũng phải được xem xét cẩn thận, vì các loại đệm cũ hơn có thể chứa những hóa chất độc hại khác, chẳng hạn như thuốc làm chậm cháy hiện đã bị cấm.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)