- Theo dõi chặt chẽ công cuộc xây dựng và chuyển giao nhà máy điện hạt nhân, công nghệ hạt nhân nói chung ở nước Hồi giáo Iran hiện nay sẽ thu được những bài học bổ ích cho các quốc gia đang bước vào con đường phát triển điện hạt nhân…

{keywords}

Hai trưởng đoàn EU và Iran cuộc gặp gỡ P5+1 tháng 2/2014.

Hoạt động hạt nhân đã mang tính phe phái

Thế giới gần đây đang chứng kiến sự phân chia các nhóm quốc gia đối địch nhau do những mâu thuẫn khác nhau. Nếu là do tranh chấp quyền lợi về lãnh thổ, kinh tế…đã là chuyện thường tình giữa nhiều vùng, nhiều châu lục… Nếu là do tín ngưỡng tôn giáo, mục tiêu tôn chỉ chính trị… cũng là chuyện của xưa nay…

Chỉ trong vài năm gần đây, vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, chọn công nghệ trong chuyển giao sản phẩm khoa học mới bị đưa ra để tranh luận và đòi hỏi qua kiểm tra kiểm soát. Đây lại là lĩnh vực khoa học rất mới, thuộc loại hiện đại nhất (hạt nhân nguyên tử). Nó lôi kéo những 5 quốc gia trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tham gia nhóm P5 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc) và thêm một nước Đức nữa. Và đặc biệt, có nước Cộng hoà Hồi giáo Iran.

Về hình thức xem đó như sự đấu tranh giữa hai phe “chênh lệch” nhau, một bên chỉ gồm 1 nước Iran và bên kia gồm cả một nhóm P5 +1 = 6 nước. Nhưng, thực ra, các nước như Nga và Đức có sự liên quan nhất định với “khổ chủ” Iran vì chính hai nước này đang cung cấp công nghệ hạt nhân và xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Iran.

Dù vậy, mối quan hệ giữa Iran và các nước P5+1 vẫn không dễ suôn sẻ trong mấy năm qua trong việc giải toả những vướng mắc do những luật lệ quốc tế quy định.

Bước đầu đáng khích lệ

Từ cuối tháng 9/2013, ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nhà lãnh đạo phương Tây, Tổng thống Pháp Francois Hollande với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, hai bên đã thoả thuận sẽ tổ chức trong thời hạn từ ba đến sáu tháng một cuộc thảo luận, xem xét về chương trình hạt nhân của Iran.

Nội dung cuộc đàm phán có thể tóm lược: Iran cam kết cho các thanh tra viên quốc tế được quyền tiếp cận nhiều hơn các công trình xây dựng các nhà máy điện hạt nhân có thể sử dụng vào chế tạo bom hạt nhân và Iran ngừng tăng số máy làm giàu uranium, đặc biệt không vượt độ giàu U235 quá 5% cho nhiên liệu hạt nhân.

Đổi lại, Iran có thể nhận lại 1,5 tỉ USD từ lợi nhuận buôn vàng và kim loại quý, và được phép chuyển 4,2 tỉ USD từ tiền bán dầu qua đường biên giới.

Từ sau cuộc gặp gỡ của hai vị Tổng Thống đó cho đến nay đã diễn ra 3 vòng đàm phán. Và vòng thứ 3 giữa Iran và P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran vừa kết thúc hôm 9/4 tại Vienna, Áo.

Sau hai ngày đàm phán, Ngoại trưởng Iran cho biết, các bên tham gia đã nhất trí được 50 – 60% về nội dung của bản dự thảo cuối cùng. Tuy nhiên, các bên vẫn cần nỗ lực hơn nữa để thu hẹp về cách nhìn nhận vấn đề hạt nhân của Iran. Theo ngoại trưởng Zarif, “vẫn còn nhiều công việc chuyên sâu cần phải làm để vượt qua những khác biệt…Và bây giờ chuyển qua giai đoạn thu hẹp sự khác biệt về các vấn đề then chốt. Cụ thể là hướng tới một thỏa thuận toàn diện”.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 13/5 tới, tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa các bên về những vấn đề chủ chốt và thảo luận cụ thể về các nội dung thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hiện vẫn chưa thể khẳng định liệu các bên có đạt được thỏa thuận cuối cùng trước ngày 20/7 hay không, do rất nhiều vấn đề gai góc còn tồn tại cần giải quyết trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Vấn đề đang nảy sinh trước khi được phép chuyển giao công nghệ và hoàn thành việc mua bán điện hạt nhân ở nước Cộng hoà Hồi Giáo Iran với nước cung cấp - nước Nga (trước đó với nước Đức), rõ ràng, đang và sẽ là bài học kinh nghiệm quý cho các nước sắp đặt nước chân vào lĩnh vực mới và đầy phức tạp này.

Minh Trần