Lần đầu tiên các nhà thiên văn học đã phát hiện một hành tinh sở hữu kích thước gần giống hệt Trái đất, có khả năng dung chứa sự sống ngoài Thái Dương hệ của chúng ta.


{keywords}
Biểu đồ so sánh kích thước cũng như hệ mặt trời của Trái đất và hành tinh Kepler-186f. Ảnh: NASA 

Nhờ dữ liệu do kính thiên văn Kepler của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập, nhóm nghiên cứu do chuyên gia Elisa Quintana đến từ Viện SETI (Mỹ) đứng đầu, đã tìm thẩy bản sao tiềm năng nhất của Trái đất, có tên gọi Kepler-186f. Hành tinh này có kích thước bằng 1,1 lần Trái đất và quay quanh một ngôi sao lùn loại M Kepler-186, chỉ cách chúng ta 490 năm ánh sáng.

Khám phá về Kepler-186f được coi là một cột mốc quan trọng trong việc săn lùng sự sống ngoài Trái đất, vì nhiều lí do. 

Cho tới nay, các kính viễn vọng không gian đã phát hiện hàng trăm hành tinh, nhưng phần lớn chúng đều không thể cư trú được hoặc vì quá to lớn hoặc vì có quỹ đạo quá sát gần ngôi sao chủ, không thể hỗ trợ sự sống. 

Trong khi đó, Kepler-186f tọa lạc ở vùng cư trú được của sao lùn Kepler-186, tức là khu vực bao quanh ngôi sao chủ và có nhiệt độ thích hợp cho sự hình thành nước.

Do sao lùn loại M kém sáng hơn đôi chút so với Mặt trời của chúng ta, nên vùng cư trú được của nó cũng co hẹp hơn. Hành tinh Kepler-186f cũng có quỹ đạo hơi khác Trái đất, mất khoảng 130 ngày thì hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao của nó. Điều này đẩy Kepler-186f ra sát rìa vùng cư trú được của ngôi sao chủ, trong khi Trái đất nằm giữa vùng cư trú được của Mặt trời.

4 hành tinh khác trong hệ thống của Kepler-186 có quỹ đạo chỉ kéo dài từ 3 - 21 ngày, khiến chúng không thích hợp cho sự sống.

Mặc dù Kepler-186f nằm trong vùng có thể cư trú được, nhưng các nhà thiên văn học không thể chắc chắn hoàn toàn về việc nó có chứa nước hay không. Tuy vậy, ngoại suy từ những gì con người đã biết được nhờ Trái đất, Kepler-186f là ứng cử viên hàng đầu có khả năng tồn tại nước và các đại dương. Tất cả sẽ phục thuộc vào việc hành tinh này có bầu khí quyển hay không.

"Nếu không có bầu khí quyển, hành tinh không thể có nước ở dạng lỏng. Bầu khí quyển có tác dụng bao phủ và bắt nhốt hơi nóng", nhà nghiên cứu Thomas Barclay giải thích.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)