Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã giải mã được bí quyết giúp mọi người chiến thắng một trò chơi vô cùng phổ biến, thường được biết đến với tên gọi “đá, giấy, kéo”.

{keywords}
Trò chơi đá – giấy – kéo rất phổ biến và gắn liền với tuổi thơ của hầu hết chúng ta.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chiết Giang (Hàng Châu, Trung Quốc) phát hiện, những người chơi trò “đá, giấy, kéo” dường như ngẫu nhiên, nhưng thực tế lại có xu hướng tuân theo các kiểu mẫu nhất định.

Họ đã tuyển lựa 360 sinh viên và chia những người này thành các nhóm 6 người, với mỗi cá nhân sẽ chơi 300 lượt khác nhau. Kết quả cho thấy, những người chiến thắng có xu hướng trung thành với một hành động (chọn đá hoặc kéo hoặc giấy), trong khi những người thua cuộc thường thay đổi hành động ở lần tiếp theo trong chuỗi “đá, giấy, kéo”.

Trước đây, người ta thường tin rằng, người chơi lựa chọn đá, giấy hoặc kéo với xác suất tương đương nhau ở mỗi lượt chơi. Lý thuyết về sự lựa chọn ngẫu nhiên này được gọi là định lý cân bằng Nash, vốn đặt theo tên người đề xướng ra nó - John Forbes Nash Jr, một nhà toán học Mỹ chuyên ngành lý thuyết trò chơi và hình học vi phân, từng giành được giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1994.

Tuy nhiên, nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc mang tới cho người chơi cơ hội chiến thắng bằng cách dự đoán động thái tiếp theo, nhiều khả năng nhất của đối thủ, rồi đưa ra lựa chọn thích hợp của mình tùy theo đó.

Trong lý thuyết trò chơi, chiến lược “thắng nhờ duy trì, thua do thay đổi” được biết đến như một phản ứng có điều kiện. Theo các nhà nghiên cứu, phản ứng này có thể “tích hợp sẵn” trong bộ não người. 

Nhóm nghiên cứu kết luận: “Trò chơi đá – giấy – kéo cho thấy sự dịch chuyển theo chu kỳ chung, vốn không thể lý giải được bằng khái niệm cân bằng Nash. Dù phản ứng có điều kiện là cơ chế ra quyết định cơ bản của bộ não hay chỉ là kết quả của các cơ chế thần kinh căn bản hơn, nó vẫn là một câu hỏi đầy thách thức đối với các nghiên cứu trong tương lai”.

Tuấn Anh (Theo Orange)