Trong bảng xếp hạng “Good Country Index” (Chỉ số quốc gia tử tế) vừa được công bố, Việt Nam xếp thứ 89/125 về cống hiến khoa học công nghệ với tỷ lệ bằng sáng chế cũng như các bài báo quốc tế thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình.

Bảng xếp hạng “Good Country Index” do nhà cố vấn chính sách độc lập Simon Anholt công bố hôm 24/6 vừa qua nhằm đánh giá những đóng góp của các quốc gia đối với thế giới.

{keywords}
Xếp hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Good Country Index. (Click vào đây để xem hình lớn hơn).

Theo trang Economist, bảng xếp hạng “Good Country Index” dựa trên 35 bộ dữ liệu khác nhau do Liên Hợp Quốc, Ngân hàng thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cung cấp thuộc 7 lĩnh vực khác nhau, gồm: Khoa học Công nghệ, Văn hóa, Môi trường, An ninh và trật tự thế giới, Sự phồn vinh và bình đẳng.

Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 124 trong tổng số 125 quốc gia có tên trong bảng xếp hạng, chỉ đứng trên Lybia một bậc.

Về lĩnh vực khoa học công nghệ, Việt Nam được xếp hạng thứ 89/125 quốc gia. Theo đó, Việt Nam xếp sau Ả-rập Xê-út (86), Siri Lanka (87), Peru (88) và xếp trước Zambia (90) và Guatemala (91).

Đáng nói là, các chỉ số như số lượng sinh viên học tập tại nước ngoài, số bài báo quốc tế, số xuất bản phẩm quốc tế, số bằng sáng chế của Việt Nam theo bảng xếp hạng này đều ở mức thấp hơn so với trung bình chung của thế giới.

Về lĩnh vực môi trường, Việt Nam cũng xếp gần áp chót với vị trí 123/125 quốc gia. Các chỉ số phát thải CO2, ô nhiễm chất hữu cơ (BOD) cho đến phát thải khí nhà kính của Việt Nam đều thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình chung.

Trong lĩnh vực y tế và sức khỏe, Việt Nam được đánh giá tốt trong việc hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới WHO, tuy nhiên, chỉ số về viện trợ nhân đạo lại bị đánh giá thấp. Trong lĩnh vực này, Việt Nam xếp thứ 111/125.

Tờ Economist nhận xét rằng, bảng xếp hạng “Good Country Index” là một ý tưởng hay song việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Bảng xếp hạng tính đến tỷ lệ GDP của các quốc gia để tránh sự khác biệt giữa nước giàu và nước nghèo. Tuy nhiên, điều này dẫn đến những sai lệch nhất định trong việc xếp hạng như việc Cộng hòa Síp được xếp hạng rất cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ hay Malta được đánh giá cao trong lĩnh vực văn hóa.

Lê Văn