- WWF và Microsoft sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án “Tăng cường rừng ngập mặn nhằm góp phần thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” đã rất thành công trong 2 năm qua với phương pháp tiếp cận mới.

Nằm dọc phá Tam Giang tại xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, Rú Chá – nơi triển khai dự án – là một hệ sinh thái độc đáo với nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, đóng vai trò như một nơi trú ẩn bảo vệ cộng đồng địa phương khỏi những cơn bão.

{keywords}
Chăm sóc cây ngập mặn trong dự án.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Rú Chá đã chịu nhiều tác động từ các hoạt động của con người như khai thác gỗ, nuôi trồng thuỷ sản không theo quy hoạch,... khiến cho diện tích rừng giảm xuống chỉ còn 4.65 ha.

Ông Nguyễn Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Nếu rừng ngập mặn tiếp tục bị suy giảm, nguồn thuỷ sản sẽ ít đi, cộng đồng địa phương sẽ phải gánh chịu những tác hại do thiếu sự bảo vệ tự nhiên trước tác động của bão lụt, xói lở bờ và đất nhiễm mặn khiến mùa màng thất thu, nhà cửa bị phá huỷ và ao nuôi trồng thuỷ sản bị ô nhiễm”.

Trong bối cảnh đó, dự án do WWF và Microsoft hỗ trợ đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng và tăng cường diện tích của rừng ngập mặn tại Rú Chá.

Trong 2 năm thực hiện dự án, hơn 23.000 cây ngập mặn đã được trồng trong đó hơn một nửa được trồng tại các ao nuôi thuỷ sản, vì thế trực tiếp mang lại lợi ích giúp cải thiện sinh kế đối với người dân.

Các cây ngập mặn sẽ giúp thanh lọc nước, cung cấp môi trường sống lý tưởng cho các loài thuỷ sinh như cá, tôm, cua, do đó mang lại nguồn thực phẩm cũng như cơ hội nghề nghiệp cho cộng đồng địa phương.

{keywords}
Ươm cây giống ngập mặn để trồng rừng.

Cũng trong khuôn khổ dự án, 300 người dân đã được đào tạo về trồng và quản lý rừng ngập mặn; 400 hộ dân được giúp đỡ cải thiện quản lý nuôi trồng thuỷ sản thông qua áp dụng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản sinh thái.

Trong thập kỷ tới, khi các cây ngập mặn trưởng thành, khu rừng mở rộng này sẽ là lá chắn bảo vệ tự nhiên cho cộng đồng khỏi các cơn bão lũ.

"Với những thay đổi lạc quan của người dân trong nhận thức về khái niệm chia sẻ lợi ích và quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, đồng thời cũng tham khảo các dự án quốc tế hiệu quả khác, chúng tôi đã xây dựng dự án để người dân không chỉ đóng vai trò là người tham gia mà còn là chủ nhân của dự án. Với mô hình này, dự án sẽ đảm bảo được tính bền vững”, Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam nói.

Về phía Microsft, ông Francis Cheong, Quản lý Cấp cao về Phát triển Bền vững Khu vực của Microsoft cho biết, trong những năm tới, Microsoft sẽ tiếp tục hỗ trợ duy trì dự án kết hợp với chiến dịch tái chế điện thoại tại Việt Nam.

Theo chương trình này, với mỗi một điện thoại không sử dụng được mang tới điểm thu gom, Microsoft sẽ trồng thêm một cây cho rừng ngập mặn. Ngoài ra, người tham gia sẽ có một cây ngập mặn đặt theo tên mình.

P.V