Vào ngày hôm qua, 26/4, đúng 25 năm sau thảm họa Chernobyl, rất nhiều sự kiện đã diễn ra tại Ukraina và nhiều quốc gia trên thế giới để tưởng nhớ về thảm họa trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân của loài người.

Vào buổi sáng ngày 26/4/1986 giờ địa phương, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện Chernobyl đặt tại Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) phát nổ. Tiếp đó một loạt các vụ nổ liên tiếp xảy ra, dẫn đến hiện tượng tan chảy lõi lò phản ứng hạn nhân.

Hình ảnh nhà máy Chernobyl hai ngày sau thảm họa.

Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinav, Anh quốc, và đông Hoa Kỳ, giết chết 30 người ngay sau đó. Ước tính, thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán khỏi nơi ở. Hiện tại, vẫn còn khu vực cấm rộng đến 30 km xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Các kỹ sư đã dựng lên một vỏ bọc bê tông bao quanh lò phản ứng bị hỏng nhằm ngăn chặn phóng xạ rò rỉ, nhưng các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải xây dựng một lớp vỏ mới. Vào 19/4 vừa qua, Hội nghị các nước tài trợ tổ chức tại Kiev, thủ đô Ukraina đã cam kết viện trợ cho Ukraina 550 triệu euro nhằm chôn lấp vĩnh viễn Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Dưới đây là những hình ảnh ấn tượng về nhà máy Chernobyl cũng như cuộc sống của người dân quanh khu vực này 25 năm sau ngày xảy ra thảm họa. Ảnh được đăng tải trên trang Boston.com.



Một bức vẽ trên bức tường ở thành phố ma Pripyat, gần lò phản ứng số 4 ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi đã xảy ra thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất trong lịch sử.



Công nhân tham gia công tác dọn dẹp hậu quả của thảm họa Chernobyl tổ chức tuần hành chống lại quyết định cắt giảm các khoản phúc lợi đền bù cho việc họ bị phơi nhiễm phóng xạ hôm 16/3.



Một cậu bé đeo khẩu trang trong bệnh viện dành cho người bị máu trắng ở Dotnesk, Ukraine, ngày 23/03/2011.



Một chiếc mặt nạ phòng độc nằm bên cạnh con búp bê trong một nhà trẻ ở thành phố Priyat. Ảnh được chụp vào ngày 04/04/2011.



 Một người đàn ông trở về thăm lại ngôi nhà đã mục nát của ông nằm trong khu vực cấm có bán kính 30km quanh nhà máy Chernobyl, ở làng Lomysh, Belarus, ngày 18/03/2011.



Bà Lida Masanovitz trồng hành và củ cải trên một cánh đồng ở thị trấn ma Redkokva, Ukraine. Sau khi thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986 xảy ra, những người dân ở đây được yêu cầu không ăn những thực phẩm mà họ tự trồng do chúng đã bị nhiễm xạ.



Bà Lida Masanovitz và người chồng Ikhail Masanovitz, 73 tuổi, đang nói chuyện điện thoại với cô con gái. Sau thảm họa, cô con gái của bà đã được đưa vào bệnh viện để điều trị những bệnh liên quan đến tuyến giáp. Ước tính có khoảng 7 triệu người ở Belarus, Nga và Ukraine gặp phải những vấn đề về sức khỏe do bị phơi nhiễm phóng xạ.



Một công nhân đang cho đàn bò rừng ăn trong khu bảo tồn sinh thái ở khu vực bị nhiễm xạ, nằm trong vùng cấm quanh nhà máy Chernobyl, gần làng Babchin, Belarus, ngày 21/02/2011.



Một người phụ nữ đang được kiểm tra bệnh ung thư tuyến giáp ngày 19/04/2011.



Một bệnh nhân ung thư áp mặt vào chiếc cửa kính trong căn phòng chữa trị đặc biệt tại một bệnh viện ở Dotnest, Ukraine, ngày 25/04/2006.



Nhà nghiên cứu chim Igor Chizhebskiy để trên bàn tay những chú chim non mới nở trên ngọn đồi ở hồ chứa nước làm mát nhà máy Chernobyl. Nghiên cứu là để so sánh sự tỉ lệ sinh và sống sót của những loài chim ở trong khu vực nhiễm xạ và ở những nơi ít bị nhiễm xạ hơn.



Ở Slavutych, thành phố mới được thành lập để tái định cư những người sơ tán, một căn phòng tưởng niệm trong bảo tàng thành phố được dành riêng cho các nạn nhân của thảm học Chernobyl với di ảnh của những người đã chết.



Dùng máy đo mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.



Xe tải, xe bọc thép và máy bay trực thăng bị nhiễm xạ nằm im trên một khu đất trống gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Khoảng 1.350 phương tiện gồm máy bay trực thăng, xe bus, xe ủi, xe tăng, xe tải, xe cứu hỏa và xe cấp cứu đã được sử dụng để chống lại thảm họa hạt nhân và tất cả đều đã bị nhiễm xạ.



Các học sinh đeo mặt nạ phòng độc trong một buổi diễn tập an toàn hạt nhân ở Rudo, Ukraine, gần khu vực cấm bán kính 30km quanh nhà máy Chernobyl. Rõ ràng nỗi ám ảnh hạt nhân vẫn còn hiện hữu trong tâm trí người dân nơi đây.

Lê Văn