- Đi trước Giải Nobel và nhiều giải thưởng quốc tế khác, Giải Kavli hay “Nobel em” năm nay đã được công bố sớm.

Ngày 29/5/2014 vừa qua, Quỹ Kavli đã tuyên bố, giải thưởng Kavli năm 2014 sẽ được trao cho chín nhà khoa học nhằm tuyên dương những thành tựu có tính khai phá của họ trên ba lĩnh vực đã xác định. Các chủ nhân mới sẽ được trao giải bao gồm công dân Mỹ (3 người), Anh (2), Pháp (1), Đức (1), Nga (1) và Canada (1).

{keywords}
Giáo sư Lưu Lệ Hằng, quốc tịch Mỹ gốc Việt, đồng chủ nhân Giải Kavli 2012.

Giải thưởng Kavli về vật lý thiên văn được trao cho Alan H. Guth thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, ở Cambridge, Mỹ; Andrei Linde thuộc Đại học Standford ở Palo Alto, ở bang California, Mỹ; và Alexei A. Starobinsky của Viện Vật lý lý thuyết Landau thuộc Viện Khoa học Nga, ngoại thành Moskva. Ba vị này được trao giải “vì những công trình tiên phong của họ về lý thuyết dãn nở vũ trụ”. Lý thuyết trên đã làm thay đổi căn bản hiểu biết của con người về vũ trụ đang sống.

Giải thưởng Kavli về khoa học nano được trao cho Thomas W. Ebbsen thuộc Đại học Louis Pasteur, Đại học Strasbourg, CH Pháp; Stefan W. Hell thuộc Viện Nghiên cứu sinh hóa Max Planck ở Göttingen, CHLB Đức và Sir John B. Pendry thuộc Học viện Hoàng gia London, Anh Quốc. Họ được trao giải “về những cống hiến có tính cách mạng trong lĩnh vực quang học nano, nhờ vậy đã gỡ bỏ được quan niệm tồn tại lâu nay về tính hạn chế của các giới hạn phân giải của kính hiển vi quang học”.

Và Giải thưởng Kavli về khoa học thần kinh được trao cho Brenda Milner thuộc Viện Thần kinh học Montreal, Đại học McGill, Canada; John O’Keefe thuộc Đại học London, Anh Quốc và Marcus E. Raichle thuộc Học viện Đại học Y khoa Washington ở St. Louis, Missouri, Mỹ. Họ được trao giải này “vì những khám phá về mạng thần kinh não chuyên ghi nhớ và nhận thức”.

Như vậy, kể từ lần trao Giải Kavli đầu tiên năm 2008 đến nay, cũng đã có vài chục nhà khoa học xuất chúng ở các quốc gia khác nhau trên thế giới được vinh dự nhận giải. Trong đó có một phụ nữ, một nhà khoa học thiên văn quốc tịch Mỹ gốc Việt, đó là Giáo sư Lưu Lệ Hằng (hay Jane X. Lưu) thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Bà Lưu cùng các đồng nghiệp được trao giải về Thiên văn học hai năm trước đây, năm 2012. Hẳn đối với cộng đồng người Việt ở trong nước và trên thế giới đó cũng là một vinh dự, một niềm động viên đáng trân trọng.

Giải Kavli, tương đồng và dị biệt với Nobel

Hiện nay, Giải Nobel vẫn được cả thế giới xem là giải thưởng quốc tế về lao động sáng tạo khoa học danh giá nhất, lớn nhất; là giải “đàn anh”. Sau đó mới đến lượt các giải thưởng khác với mức độ ít danh giá,y nhỏ hơn có thể gọi khiêm nhường là các giải “đàn em”. Giải Kavli có thể xếp vào một thứ hạng trong đó.

{keywords}

Fred Kavli (1927-2013), Quốc tịch Mỹ gốc Na-uy, người sáng lập Giải khoa học Kavli

Giải Nobel là một trong những giải ra đời sớm nhất (từ năm 1901), lớn nhất với số tiền thưởng đến 1,25 triệu USD, ngoài một huy chương vàng và một giấy chứng nhận. Giải trao tặng cho những cá nhân (riêng giải hoà bình có thể trao cho tổ chức) đạt thành tựu nổi bật nhất trên thế giới trong một phạm vi khoa học khá rộng bao gồm vật lý, hoá học, y học, văn học, kinh tế và hoà bình. 

Mỗi giải Nobel không bắt buộc phải được trao hàng năm, nhưng ít nhất 5 năm phải được trao một lần. Một giải khi đã trao thì không bao giờ bị tước. Giải Nobel được trao cho tối đa 3 người mỗi năm. Các chủ nhân mới của giải được công bố hằng năm vào tháng 10 và được trao vào ngày 10 tháng 12 kỷ niệm ngày mất của nhà sản xuất và kinh doanh thuốc nổ Alfred Nobel, ở Stockholm, Thụy Điển, riêng Giải Nobel Hòa bình được trao ở Oslo, Na Uy.

So với Giải Nobel, tuổi đời của Giải Kavli trẻ hơn nhiều, cả 100 năm. Quỹ Kavli do Fred Kavli, người Na Uy (1927-2013), còn được gọi là “Tân Alfred Nobel” thành lập năm 2000 với trụ sở đặt tại Oxnard, California, Mỹ. Quỹ này, ngoài sử dụng làm giải thưởng, còn tài trợ cho hơn mười viện nghiên cứu mang tên Kavli trên toàn thế giới và nhiều viện nghiên cứu lớn khác, trong có có các đại học hàng đầu như Harvard, Cambridge, MIT.... Vị “Tân Alfred Nobel”, nhà triệu phú Kavli sinh trưởng trong một gia đình nông dân Na Uy ở Romsdal, theo học kỹ sư công trình dân dụng ở Đại học Kỹ thuật Na Uy (hiện là Trường NTNU ở Trondheim).  

Tin rằng công nghệ nano, ngành vật lý thiên thể cùng khoa học thần kinh nghiên cứu về chức năng não có tiềm năng rất to lớn với con người, Kavli muốn thúc đẩy các lĩnh vực đó bằng cách tài trợ lập ra 3 giải Kavli chỉ dành cho các nhà khoa học có cống hiến xuất sắc trong 3 lĩnh vực nói trên, đó là Vật lý thiên văn, Công nghệ nano và Khoa học thần kinh. Với sự phối hợp giữa Viện hàn lâm Khoa học Na Uy, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy và Quỹ Kavli (ở California), Giải Kavli ra đời năm 2005 và được trao lần đầu ngày 9/9/2008 bởi thái tử Haakon của Na Uy.

Giải Nobel “em” cũng gồm khoản tiền thưởng là 1 triệu USD (chỉ ít hơn 0,2 triệu USD so với Nobel “anh”), cùng một huy chương bằng vàng và một bằng chứng nhận. Việc tuyển chọn các người đoạt giải tiến hành như sau. Viện hàn lâm Khoa học Na Uy bổ nhiệm 3 Ủy ban tuyển chọn cho 3 ngành gồm các nhà khoa học quốc tế hàng đầu theo sự tiến cử của: Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ, Viện hàn lâm Khoa học Na Uy, Hội Hoàng gia Luân Đôn, Viện Khoa học Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Hội Max Planck (Đức). Ba ủy ban nói trên sẽ tuyển chọn những người đoạt giải dựa trên một danh sách các ứng viên được đề cử và Viện Hàn lâm Khoa học Na Uy sẽ công bố tên những người đoạt giải.

Lễ trao giải được tổ chức tại thủ đô Oslo của Na Uy, vào ngày 9 tháng 9. Thường Nhà vua Na Uy sẽ đích thân trao giải cho từng ứng viên. Nghi lễ này là một phần của Tuần lễ Giải thưởng Kavli - tuần các chương trình chào mừng những thành tựu xuất sắc về khoa học, giáo dục.

Trần Minh