- Trong khi WHO đưa ra những khuyến cáo mạnh mẽ và nhiều quốc gia cũng đã cấm việc sử dụng amiăng trắng, Việt Nam lại đang đi ngược xu hướng chung vì cho rằng amiăng vẫn còn mang lại lợi ích về kinh tế.
Xu thế toàn cầu
Tỷ lệ sử dụng amiăng trên thế giới vào năm 2011.
Amiăng trắng (chrysotile) được sử dụng từ rất lâu, tuy nhiên, chỉ tới vài thập kỷ gần đây, người ta mới có những thông kê cụ thể về việc sử dụng nguyên liệu này.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS), sản lượng amiăng trắng toàn thế giới từ năm 2000 trở lại đây, dao động trong khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong đó, bốn nước sản xuất hàng đầu là: Nga, Trung Quốc, Brasil, Kazakhstan.
Hiện tại, riêng 4 quốc gia này đã chiếm tới 99% sản lượng amiăng toàn thế giới. Một tỉ lệ rất nhỏ còn lại nằm ở các nước như Canada, Zimbabwe, Ấn Độ, Argentina..
Trong khi các nước phát triển trong Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ ngừng sản xuất, sử dụng và mua bán amiăng vì mối nguy hiểm đối với sức khỏe của mình, các nước châu Á trở thành mục tiêu tiếp thị của ngành công nghiệp amiăng.
Số liệu của Cục khảo sát địa chất Mỹ cho thấy, tiêu thụ amiăng trắng trên thế giới tập trung chủ yếu ở các quốc gia châu Á và Trung Đông, chiếm tới 85% lượng amiăng trắng toàn cầu. Nam Mỹ chiếm 10,6%, tất cả các khu vực còn lại chiếm dưới 5%, trong đó, châu Phi và Trung Bắc Mỹ gần như không sử dụng.
Theo thống kê, hiện nay, tổng số nước tiêu thụ amiăng trắng trên thế giới chỉ còn là 35 nước, giảm hơn một nửa kể từ những năm 1980 trở lại đây. Nếu năm 1980 có 80 nước sử dụng amiăng thì năm 2000 là 66 nước, 2011 chỉ còn 53 nước sử dụng và đến năm 2012 chỉ còn 35 nước.
Số quốc gia còn sử dụng amiăng trắng trên thế giới đang giảm nhanh.
Trong số 35 quốc gia này, lượng tiêu thụ amiăng trắng chủ yếu tập trung tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo USGS, vào năm 2011, tại 10 nước này, lượng amiăng tiêu thụ chiếm tới 92,4% lượng amiăng trắng trên toàn cầu, 43 quốc gia còn lại chỉ tiêu thụ 7,6%.
Trong khi số lượng các quốc gia sử dụng amiăng đang tiếp tục giảm xuống thì số lượng các quốc gia cấm sử dụng amiăng trắng đang tăng lên.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên cấp sử dụng amiăng trắng vào năm 1982. Từ năm 1982-1991, có thêm 7 nước khác cũng cấm amiăng trắng. Từ 1992-2001, có thêm 15 quốc gia quốc gia cấm amiăng trắng. Và từ 2002-2012, có tới thêm 31 quốc gia cấm amiăng trắng. Hiện tại, đã có 54 quốc gia cấm amiăng trên toàn thế giới.
Điều này cho thấy, càng về sau, thế giới càng nhận ra sự nguy hại của amiăng. Nếu giai đoạn 1982-1991, trung bình mỗi năm chỉ có 0,8 quốc gia cấm sử dụng amiăng thì tới giai đoạn 2002-2012, trung bình mỗi năm có 2,8 quốc gia cấm sử dụng loại nguyên liệu độc hại này.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong số các quốc gia đang sử dụng amiăng hiện nay, có cả những quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Nga hay Canada. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng amiăng trắng tại các quốc gia này hoàn toàn khác với Việt Nam.
Tại Mỹ, theo USGS, số lượng amiăng tiêu thụ vào năm 2013 chỉ còn là 950 tấn, chỉ bằng 1,4% so với con số trung bình 65 ngàn tấn/năm của Việt Nam. Đây là con số không đáng kể.
Đáng nói là, 67% lượng amiăng trắng sử dụng tại Mỹ là trong ngành hóa công nghiệp sản xuất axit và kiềm, tỉ lệ còn lại chia cho các ngành công nghiệp khác và chủ yếu là dùng trong quân sự.
Tại Canada, một quốc gia từng là nhà sản xuất lớn và nước xuất khẩu amiăng lớn nhất thế giới, lượng amiăng được sử dụng cũng rất ít.
Theo thống kế của USGR, năm 2010, Canada chỉ nhập khẩu 22 tấn từ Trung Quốc và chủ yếu là thông qua các sản phẩm chứa amiăng hoặc các sợi thay thế khác.
Việt Nam sẽ "cô độc"?
Số các quốc gia cấm amiăng tăng theo cấp số nhân theo từng giai đoạn (10 năm)
Trong khi xu thế chung của thế giới là không sử dụng hoặc cấm sử dụng amiăng thì Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiăng lớn nhất thế giới. Trung bình, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ (nhập khẩu) khoảng 65 ngàn tấn amiăng trắng.
Đáng nói hơn, số lượng amiăng tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Nếu năm 2011, lượng amiăng tiêu thụ tại Việt Nam là gần 60 ngàn tấn (xếp thứ 9) thì năm 2012 là 79 ngàn tấn (đứng thứ 6) và top 5 các nước châu Á sử dụng amiăng vào năm 2012.
Một điểm đáng lưu ý nữa là, Việt Nam là quốc gia duy nhất nhập khẩu amiăng trong số 7 quốc gia phản đối việc đưa amiăng trắng vào phụ lục 3 của Công ướng Rotterdam năm 1998 (danh mục các loại hóa chất công nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện phải quản lý đặc biệt).
Không khó để nhận thấy xu hướng chung của thế giới là không sử dụng hoặc cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng. Do vậy, nếu tiếp tục ủng hộ việc sử dụng amiăng, Việt Nam đã và đang đi ngược lại với xu thế chung của toàn cầu.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo gần đây về amiăng, BS. TS. Trần Tuấn, thuộc Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) từng đặt vấn đề một cách thú vị trước ý kiến cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu về vấn đề amiăng.
“Chúng ta là thành viên của WHO, chúng ta đã chấp nhận nhiều khuyến cáo của WHO nhưng riêng vấn đề amiăng lại đi theo xu thế ngược lại. Tôi cho rằng, nếu có nghiên cứu tiếp tục thì chúng ta cần phải nghiên cứu xem vì sao riêng vấn đề amiăng chúng ta lại đi ngược lại xu thế của thế giới”, TS Tuấn nói.
Lê Văn