Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu hải dương học Vịnh Monterey (MBARI), Mỹ đã quan sát được một bạch tuộc biển sâu ấp trứng tới 4,5 năm, lâu hơn bất kỳ động vật nào khác được biết đến từ trước tới nay.

Theo báo cáo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí PLOS ONE, cứ vài tháng trong suốt 25 năm qua, một nhóm nghiên cứu của viện MBARI do chuyên gia Bruce Robison đứng đầu, đã tiến hành khảo sát các động vật biển sâu ở một địa điểm nghiên cứu tại hẻm núi Monterey, được gọi là "Midwater 1".

Tháng 5/2007, nhóm nghiên cứu phát hiện một con bạch tuộc cái Graneledone boreopacifica đu bám vào gờ đá ngầm ngay phía trên sàn hẻm núi, dưới mặt nước biển khoảng 1.400 mét. Suốt 4,5 năm sau, các chuyên gia đã lặn trở lại địa điểm 18 lần và lần nào họ cũng nhìn thấy đúng con bạch tuộc cái ban đầu, dễ nhận nhờ những vết sẹo đặc trưng của nó, vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Nhóm nghiên cứu ước tính, bạch tuộc mẹ đang ấp khoảng 160 quả trứng. Các quả trứng trong suốt của nó dần trở nên to lớn hơn theo thời gian và nhóm nghiên cứu có thể quan sát những con bạch tuộc con đang phát triển bên trong.

Suốt khoảng thời gian này, bạch tuộc mẹ giữ cho các quả trứng của nó luôn sạch sẽ và bảo vệ chúng trước những kẻ thù ăn thịt, ngay cả khi việc đó khiến nó giảm cân dần dần và làn da trở nên nhão chùng, xanh xao. Họ cũng không bao giờ quan sát được bạch tuộc mẹ rời bỏ trứng của nó hay ăn thứ gì đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong chiến lược sinh sản của bạch tuộc biển sâu Graneledone boreopacifica, khả năng chịu đựng thời gian ấp con kéo dài của mẹ sẽ tỉ lệ thuận với sức cạnh tranh của các con mới nở của nó. Loài bạch tuộc này ấp nở các con có mức độ phát triển cao, tạo cho chúng lợi thế sống sót tốt hơn".

Nghiên cứu mới hé lộ, ngoài việc thiết lập kỷ lục về thời gian ấp trứng dài nhất trong vương quốc động vật, bạch tuộc Graneledone boreopacifica có thể còn là một trong những sinh vật chân đầu (nhóm động vật gồm bạch tuộc, mực và các họ hàng của chúng) sống thọ nhất. Hầu hết các loài bạch tuộc và mực cư trú ở những vùng nước nông chỉ có tuổi thọ chừng 1 - 2 năm.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, hầu hết bạch tuộc cái chỉ đẻ một lứa trứng và chết khi trứng của chúng nở ra thành con. Trứng của bạch tuộc Graneledone boreopacifica có hình giọt nước mắt, với kích thước tương đương những chiếc lá ôliu nhỏ.

Do bạch tuộc con sinh trưởng rất lâu bên trong trứng, nên khi thoát ra ngoài, chúng hoàn toàn có khả năng tự mình sống sót và săn các con mồi nhỏ. Trong thực tế, bạch tuộc G. boreopacifica mới sinh "khủng" hơn và trưởng thành hơn con non của bất kỳ loài bạch tuộc hoặc mực nào khác.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)