- Một khu đền tháp Chăm đổ nát được phát hiện dưới lòng đất cùng hàng trăm hiện vật và tượng cổ được tìm thấy khi khai quật trên diện tích 1.200m2 tại  thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)…

Theo các nhà khoa học và khảo cổ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn Hà Nội, sau hơn 20 ngày tổ chức khai quật tại khu vực thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã phát hiện một  phế tích Chăm nằm sâu dưới lòng đất.

{keywords}
Hiện vật được tìm thấy tại khu chân móng tháp Chăm vừa mới khai quật.

Đoàn đã tổ chức mở rộng hố khai quật trên diện tích 1.200m2 và đào sâu dưới lòng đất từ 0,5-2m đã phát hiện nhiều tượng đá cùng hàng nghìn mãnh vở kiến trúc và hệ thống 3 nền móng của tháp Chăm.

Phó Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng Hà Tấn Loan kiêm Trưởng ban khai quật khảo cổ phế tích Chăm cho biết trong hơn 20 ngày khai quật, các nhà khảo cổ và cán bộ khai quật đã phát hiện tại khu vực một di tích nền móng được xác định là tháp Chăm.

Hệ thống nền móng đã được phát lộ gồm 3 tháp giống như các nền móng tháp chăm hiện hữu trên địa bàn Quảng Nam đang tồn tại đó là tháp Chăm Khương Mỹ, Chiên Đàn. Đây là nền móng của tháp Chăm cổ có niên đại khoảng thế kỷ thứ 10.

Các nền móng này được đoàn khai quật phát lộ và bảo vệ nghiêm ngặt. Một bậc tam cấp bằng đá sa thạch có điêu khắc hình quái vật (makara) ở hai bên và hình quả tim phía trước, giống như bậc tam cấp được tìm thấy tại tháp Chăm Khương Mỹ Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam đang tồn tại.

Ngoài nền móng tháp Chăm được phát lộ ở độ sâu khoảng 1 m, đoàn khảo cổ còn tìm thấy 3 đầu tượng và nhiều mãnh vỡ cùng gạch Chăm có chạm khắc hoa văn xây nơi nền móng của phế tích này.

{keywords}
Hố khai quật khu tháp Chăm Phong Lệ

Được biết, phế tích Chăm được phát hiện tại thôn Quá Giáng 2 là phế tích Chăm thứ 6 được phát hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Trong đó 2 phế tích được phát hiện tại thôn Phong Lệ phường Hòa Thuận Đông, Q.Cẩm Lệ và phế tích Chăm ở thôn Quá Giáng 2 là 2 phế tích Chăm có qui mô kiến trúc lớn.

Với 2 phế tích Chăm được phát hiện tại địa bàn Cẩm Lệ và Hòa Phước nằm cạnh nhau đã được các nhà nghiên cứu khẳng định tại khu vực này trước đây là nơi quần tụ của cộng đồng người Chăm với hệ thống đền tháp được xây dựng hoành tráng và bị đổ nát theo thời gian và chiến tranh loạn lạc.

Hiện các nhà khoa học, nhà khảo cổ học đang tiến hành mở rộng khu khai quật để tiếp tục tìm kiếm các hiện vật để phục vụ cho công tác nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho việc trùng tu, bảo quản khu phế tích dưới lòng đất này.

Chính quyền Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng khoanh vùng bảo vệ và đầu tư xây dựng nơi này làm điểm đến tham quan các phế tích Chăm phục vụ người dân và du khách.

Vũ Trung - Tuấn Vũ