- Đằng sau khung cảnh đẹp đẽ trên những cuốn catalog, người dân thành phố Asbest cũng đang phải đối mặt với nguy cơ về bệnh tật khi họ phải chung sống với những sợi amiăng gây ung thư lơ lửng khắp nơi trong không khí.

{keywords}
Vào các buổi chiều, các công nhân nổ mìn để khai thác amiăng đã tạo ra một khối lượng bụi gây ung thư rất lớn. Ảnh: Olga Kravets/ The News York Times.

Thành phố Asbest (tiếng Nga Асбест) của Nga được biết đến là nơi khai thác amiăng trắng lớn nhất thế giới. Nhiều người vẫn viện dẫn Asbest như một minh chứng cho sự an toàn của việc khai thác và sử dụng amiăng trắng khi cuộc sống của cư dân thành phố này diễn ra ngay bên cạnh mỏ amiăng lộ thiên dài 11km, rộng 2,5km và sâu tới 300m. Rất nhiều đoàn cán bộ thuộc nhiều cơ quan khác nhau của Việt Nam cũng từng được mời sang Asbest để thăm các mỏ sản xuất amiăng trắng tại đây.

Tuy vậy, đằng sau khung cảnh đẹp đẽ trên những cuốn catalog, đằng sau những chuyến thăm quan mang tính thương mại, những người dân thành phố Asbest cũng đang phải đối mặt với nguy cơ về bệnh tật khi họ phải chung sống với những sợi amiăng gây ung thư lơ lửng khắp nơi trong bầu khí quyển của thành phố.

Nhân việc cấm sử dụng amiăng trắng đang gây ra nhiều tranh cãi tại Việt Nam, VietNamNet xin giới thiệu tới bạn đọc một số bài viết đã được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí uy tín của quốc tế về những nguy cơ mà mỏ amiăng trắng đem lại cho người dân thành phố Asbest để bạn đọc có được cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này.

Bài viết dưới đây là của tác giả Andrew A. Kramer được đăng tải trên tờ The New York Times phiên bản điện tử ngày 13/7/2013. Bằng sự tìm hiểu thực tế, phóng viên Kramer bài viết đã nỗ lực để lý giải nguyên nhân vì sao, thành phố Asbest lại không thể từ bỏ được amiăng vốn được cho là rất nguy hại cho sức khỏe. Bài viết này cũng được đăng trên trang số 16 tờ The New York Times bản in ra xuất bản một ngày sau đó.

Dưới đây là nội dung bài của viết:

Thành phố 70 ngàn dân nằm ở phía đông dãy Ural là một nơi lý tưởng để sống ngoại trừ một nhược điểm lớn: Khi gió thổi, những đám bụi ung thư sẽ tràn vào thành phố.

Trong tiếng Nga, Asbest có nghĩa là amiăng và ở đây, nó có mặt ở khắp mọi nơi. Người dân nơi đây nói rằng những lớp bụi amiăng được dồn lại trên sàn phòng khách. Trước khi họ lấy những bộ quần áo phơi trên dây ở sân sau, họ phải giũ sạch cách sợi amiăng.

"Khi tôi làm việc ở trong vườn, tôi thấy bụi amiăng đọng trên những cây mâm xôi”, Tamara A. Biserova, một người nghỉ hưu nói. Có rất nhiều bụi bám trên cửa sổ, bà nói, “mỗi sáng trước khi ra ngoài tôi đều phải quét bụi amiăng ra ngoài”.

Thành phố này là một trong những trung tâm của ngành công nghiệp amiăng của Nga, quốc gia kiên quyết chống lại việc đóng cửa các công ty (sản xuất và sử dụng) amiăng và từng bước thay thế các sản phẩm cách nhiệt có chứa amiăng gây ung thư.

Tại Mỹ và hầu hết các quốc gia phát triển, amiăng được kiểm soát một cách đặc biệt. Cho tới thập niên 70, sợi khoáng silicat này vẫn được sử dụng phổ biến trong vật liệu chống cháy và cách nhiệt các toà nhà ở Mỹ cũng như nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên, những bằng chứng ngày càng nhiều về các bệnh hô hấp do amiăng đã dẫn đến việc nguyên liệu này bị cấm. Liên minh Châu Âu, Nhật Bản cũng đã cấm amiăng. (Một thành phố có tên Asbestos (nghĩa là amiăng - ND) ở Quebec, Canada cũng đã đóng cửa mỏ amiăng mặc dù tên của thành phố thì không thay đổi).

Tuy nhiên, ở đây (Asbest), vào mỗi buổi chiều, các thợ mỏ lại nổ mìn để khai thác amiăng tại khu mỏ thuộc sở hữu của Công ty Uralasbest, một công ty khai thác mỏ của Nga. Các vụ nổ tạo ra một lượng lớn sợi amiăng lẫn với bụi trong không khí. Asbest là  một trong những ví dụ điển hình về những phí tổn môi trường do sự phụ thuộc quá lớn vào hoạt động khai thác mỏ của nước Nga.

"Những người dân thường đang cố gắng để ra khỏi nơi này”, Boris Balobanov, người từng là công nhân nhà máy, giờ là lái xe taxi nói. “Những người quý trọng cuộc sống của họ đều đã ra đi. Nhưng tôi sinh ra ở đây và tôi chẳng có nơi nào để đi cả”.

Cả 6 người từng làm việc trong nhà máy hoặc mỏ amiăng được hỏi đều ho dai dẳng, một triệu chứng do amiăng gây ra. Người dân nơi đây cũng nói tới một bệnh da liễu lạ. Các bác sĩ da liễu địa phương nói rằng, các vết sưng là do việc tiếp xúc với amiăng gây ra.

Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một cơ quan thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang tiến hành một nghiên cứu kéo dài nhiều năm về các công nhân làm việc tại mỏ amiăng ở Asbest. Do một số lượng lớn người dân bị phơi nhiễm amiăng tại đây nên các nhà nghiên cứu đã chọn thành phố này để tìm hiểu xem amiăng có phải là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư khác ngoài ung thư phổi hay không. “Tất cả các dạng amiăng đều gây ung thư cho con người”, nhóm nghiên cứu khẳng định.

Bắt đầu mở vào cuối thế kỷ thứ 19, kích thước của mỏ amiăng lớn nhất thế giới này bằng một nửa diện tích của đảo Manhattan (một quận của thành phố New York, diện tích khoảng 59 km2) và chứa một khối lượng vô cùng lớn sợi amiăng. Hố mỏ được đào tới độ sâu hơn 300 mét đầy những con đường được tạo ra theo hình bậc thang. Các xe tải khai thác mỏ lớn chở ra khỏi mỏ các sợi amiăng thô màu xám, dạng sợi.

Mỏ amiăng của Uralasbest gần thành phố tới mức một vài năm trước đây, văn phòng thị trưởng và công ty đã phải di dời người dân tới nơi xa hơn để mở rộng hoạt động khai thác.

Các mỏ amiăng gắn chặt với cuộc sống của thành phố này tới mức nhiều cặp đôi mới cưới đã chụp những bức ảnh cưới ngay trên mép mỏ amiăng này. Thành phố cũng có một khẩu hiệu là: “Amiăng, thành phố của tôi, số phận của tôi”.

{keywords}
Các công nhân nghỉ hưu ở Asbest, Tamara A. Biserova (giữa) và Nina A. Zubkova (phải). Ảnh: Olga Kravets/ The News York Times. 

Vào năm 2002, Hội đồng Thành phố đã quyết định sử dụng một lá cờ mới: Các đường màu trắng - biểu tượng cho các sợi amiăng – xuyên qua một chiếc vòng lửa. Một biển quảng cáo do Công ty Uralasbest đặt ở Asbest với khẩu hiệu: “Amiăng là tương lai của chúng tôi”.

Các vụ kiện tập thể vốn đã làm phá sản các công ty amiăng tại Mỹ là điều không thể có trong hệ thống tư pháp rất yếu của Nga, nơi người ta khuyến khích các nhà sản xuất amiăng. Nga, nước có sự trữ địa chất amiăng lớn nhất thế giới, mỗi năm khai thác khoảng 1 triệu tấn amiăng và 60% trong số này là xuất khẩu. Nhu cầu vẫn rất lớn ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi amiăng được sử dụng trong vật liệu cách điện và vật liệu xây dựng. Hiệp hội Amiăng trắng Liên bang Nga, bao gồm nhóm các doanh nghiệp kinh doanh amiăng công nghiệp, báo cáo rằng, tổng doanh thu hàng năm của họ là 18 tỷ Rúp, tương đương 540 triệu USD. Việc kinh doanh của họ đang phát triển, chủ yếu là do các nước khác đang quay lưng với lĩnh vực này.

Mỏ amiăng cũng như nhà máy Uralasbest có ý nghĩa quan trọng với những người công nhân. Thành phố phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác amiăng cũng như sản xuất các sản phẩm amiăng. Trên cả nước Nga, ngành công nghiệp này sử dụng 38.500 công nhân trực tiếp trong khi đó, có khoảng 400 ngàn người dân sống phụ thuộc vào các nhà máy và các mỏ amiăng, nếu như các ngành kinh doanh phụ trợ ở các thành phố mỏ được tính đến. Ở Asbest, khoảng 17% dân số làm việc trong ngành công nghiệp này.

Ở Nga, rất nhiều thành phố dựa vào một nhà máy lớn giống như nhà máy amiăng tại thành phố này. Một nghiên cứu của Chính phủ Nga đã thống kê rằng, 467 thành phố và 332 thành phố nhỏ hơn phụ thuộc vào một nhà máy hoặc một mỏ khoáng sản. Có khoảng 25 triệu trong tổng số 142 triệu dân số Nga sống ở với một ngành công nghiệp duy nhất và không thể đóng cửa được nó dù nó có gây ô nhiễm đi nữa.

Hiệp hội Amiăng Nga nói rằng, loại amiăng khai thác ở Nga, được gọi là amiăng trắng (chrysotile), ít có hại hơn các loại khác. Mặc dù vậy, ở Mỹ, người ta hạn chế tối đa việc sử dụng loại nguyên liệu này. Nước Mỹ nhập khẩu khoảng 1.000 tấn amiăng mỗi năm, chủ yếu từ Brazil cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và linh kiện của công nghiệp ô tô. “Họ đánh giá amiăng nguy hiểm nhưng chúng tôi thì đánh giá nó an toàn”, đại diện của Hiệp hội, Vladimir A. Galitsyn nói. Tại Nga có ba viện nghiên cứu chuyên nghiên cứu việc sử dụng amiăng.

Là đại diện của ngành công nghiệp này, tôi không thấy có vấn đề gì”, ông nói. Kiểm soát đúng cách, amiăng an toàn, ông nói, và nó giúp cứu sống nhiều người khi hỏa hoạn. “Chúng tôi không phải là kẻ thù của những người lao động. Nếu như họ chết, người ta sẽ sợ khi làm việc cho chúng tôi”.

Valentin K. Zemskov, 82 tuổi, từng làm việc trong mỏ amiăng hơn 40 năm và nhiễm bệnh amiăng (asbestosis), một căn bệnh đường hô hấp do hít phải sợi amiăng. “Có nhiều bụi tới mức anh sẽ không thể nhìn thấy người đứng cạnh mình”, ông nói về những năm tháng làm công nhân mỏ của mình. Đối với những người bị bệnh, công ty trả thêm 4.500 Rúp, khoảng 135 USD mỗi tháng vào lương hưu, số tiền chỉ đủ để trả vài bữa ăn trong nhà hàng.

Tuy vậy, ông nói rằng, thành phố này không có lựa chọn nào khác. “Nếu như chúng tôi không có nhà máy, chúng tôi sẽ sống ra sao?”, ông nói trong hơi thở hổn hển tại sân viện dưỡng lão. “Nó phải mở cửa thì chúng tôi mới có việc làm”.

Một đài kỷ niệm những người đã chết đã được dựng lên, tất nhiên, với một khối quặng amiăng kèm theo dòng chữ “Sống và Nhớ lấy”.

"Tất nhiên là bụi amiăng bao trùm cả thành phố của chúng tôi”, Nina A. Zubkova, một người khác sống trong viện dưỡng lão này nói. “Bạn nghĩ vì sao thành phố này lại có tên là Asbest (amiăng)”.

Lê Văn (dịch)

(Còn nữa)