Một người đàn ông trẻ nằm chết giữa đường phố Liberia, bị bỏ mặc thối rữa trước sự chứng kiến của trẻ em và dòng người qua lại. Anh ta chỉ là một trong số nhiều nạn nhân nhiễm virus Ebola đang bị gia đình và người thân lôi ra khỏi nhà và vứt bỏ ngoài đường trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tránh bị nhà chức trách cách ly.


Tính tới thời điểm hiện tại, virus Ebola - mầm bệnh nguy hiểm có thể khiến các nạn nhân bị thâm bầm nghiêm trọng cũng như xuất huyết ở mắt và miệng, đã cướp đi sinh mạng của gần 900 người khắp Tây Phi.

Tuần trước, chính phủ Liberia đã tuyên bố thực thi hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm kiểm soát căn bệnh do virus Ebola gây ra, bao gồm cả việc đóng cửa các trường học, áp dụng việc cách ly quanh nhà của các nạn nhân cũng như giám sát chặt bạn bè và người thân của họ.

Bộ trưởng Thông tin Liberia Lewis Brown cho biết, cư dân địa phương đã bắt đầu kéo xác những người thân yêu ra vứt bỏ trên các đường phố vì lo sợ rằng, những quy định mới của chính phủ có thể gây rủi ro cho chính sức khỏe của họ. Theo quan chức này, với hơn một nửa số người nhiễm virus đã may mắn sống sót, nhiều người châu Phi coi các cơ sở cách ly Ebola như bẫy tử thần.

"Họ do đó đang vứt bỏ các thi thể nạn nhân Ebola ra đường. Họ đang tự khiến bản thân đối mặt với nguy cơ nhiễm virus gây bệnh bằng cách làm này. Chúng tôi đang yêu cầu mọi người để các thi thể ở nguyên trong nhà họ và chúng tôi sẽ đến mang chúng đi", ông Brown cho biết thêm.

Hôm 4/8, chính phủ Liberia đã cho phát đi thông cáo trên đài phát thanh rằng, mọi thi thể nạn nhân Ebola cần phải được hỏa táng. Quyết định này được đưa ra trước những lo sợ rằng, căn bệnh hiện vô phương cứu chữa có thể vượt quá khả năng chống đỡ của hệ thống chăm sóc y tế tại một trong những vùng đất nghèo đói nhất thế giới.

Sắc lệnh hỏa táng được ban bố sau khi một cuộc đụng độ căng thẳng bùng phát hồi cuối tuần trước, khi các nhân viên y tế cố gắng chôn cất hơn 20 nạn nhân Ebola ở ngoại ô thủ đô Monrovia của Liberia. Nhà chức trách đã phải mời quân đội tới giúp khôi phục lại trật tự trong khi quá trình chôn cất diễn ra.

Các quan chức y tế cho biết, nhiều nạn nhân đã nhiễm bệnh do chạm vào thi thể của những nạn nhân khác theo truyền thống địa phương ở các đám tang. Nhà chức trách bắt đầu hỏa thiêu các thi thể từ chủ nhật (3/8) sau khi các cộng đồng địa phương phản đối việc chôn cất tại khu dân cư của họ.

Những diễn biến mới nhất về sự hoành hành của dịch Ebola

{keywords}

Các tình nguyện viên đang mặc đồ bảo hộ y tế để chuẩn bị di dời các xác người nghi ngờ thiệt mạng vì nhiễm virus Ebola ở Liberia. Ảnh: Reuters

Dịch Ebola lớn nhất trong 4 thập kỷ qua, vốn bắt đầu bùng phát từ tháng 3 vừa qua, đã lan tới Nigeria vào cuối tháng 7 sau khi Patrick Sawyer, một người Mỹ gốc Liberia 40 tuổi, bay từ thủ đô Liberia tới thành phố Lagos của nước láng giềng. Nhà chức trách Lagos thống kê rằng, 8 người tiếp xúc với ông Sawyer, hiện đã thiệt mạng vì Ebola, cũng cho thấy những biểu hiện mắc bệnh.

Trong khi đó, ở các nước láng giềng Sierra Leone và Liberia, nơi dịch Ebola lan nhanh nhất, nhà chức trách buộc phải điều động binh lính để cách lý các khu vực biên giới. Lí do là vì, 70% các ca nhiễm bệnh được phát hiện ở đây.

Ngoại trưởng Sierra Leone tiết lộ, virus Ebola đã làm chính phủ nước này tiêu tốn 10 triệu USD cho tới thời điểm hiện tại và đang ngăn trở những nỗ lực kích thích phát triển.

Hôm 5/8, hãng hàng không Anh British Airways tuyên bố sẽ ngừng các chuyến bay tới cũng như đi khỏi Liberia và Sierra Leone cho tới cuối tháng này, do những quan ngại về sức khỏe cộng đồng.

Đức đã cùng Pháp và Mỹ ra khuyến nghị tránh di chuyển tới Guinea, Liberia và Sierra Leone, với lí do hiện vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt sự lây lan dịch Ebola.

Nhân viên y tế Mỹ thứ hai nhiễm Ebola ở Tây Phi đã được chuyển bằng máy bay về một bệnh viện ở Atlanta, Mỹ, nơi các bác sĩ sẽ nỗ lực hết sức để cứu cô và người đồng nghiệp khỏi sự tấn công của virus chết người.

Trước việc các hệ thống y tế ở các quốc gia Tây Phi đang quá tải vì dịch Ebola, Ngân hàng phát triển châu Phi và Ngân hàng thé giới tuyên bố sẽ giải ngân ngay lập tức 260 triệu USD cho 3 nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)