Nhiều người tò mò muốn biết, các phi hành gia giải quyết những nhu cầu cá nhân như đại, tiểu tiện như thế nào trong môi trường không trọng lượng. Một nhà khoa học Mỹ đã lý giải tất cả những gì họ muốn biết về chuyện vệ sinh tế nhị trong môi trường vi trọng lượng bằng một đoạn video minh họa vô cùng sống động.


Theo nhà khoa học Hank Green ở Montana, Mỹ, các phi hành gia giải quyết nhu cầu vệ sinh nhờ một hệ thống hút chuyên dụng. Một số chất thải của họ sau đó sẽ được tái sử dụng cho các hệ thống thiết yếu đối với cuộc sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

"Như một bạn có thể hình dung, việc này đòi hỏi đôi chút khéo léo", ông Green nói.

Trên Trái đất, chúng ta đã quen với việc dùng các bệ bồn cầu có đường kính khoảng 30 - 45cm. Tuy nhiên, trong không gian, các phi hành gia phải thích nghi với một khe hở rộng khoảng 10cm để đại tiện. Họ sẽ phải hết sức cẩn thận để ngồi nguyên vị trí và đảm bảo không chất thải nào có thể thoát ra ngoài trong lúc họ giải quyết "nỗi buồn".

Để giúp các phi hành gia làm thành thục việc này, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chế tạo một bồn cầu có gắn một camera bên trong để họ có thể tập luyện ngồi vệ sinh chuẩn xác.

"Bản thân bồn cầu hoạt động như một máy hút bụi, sử dụng áp suất không khí khác nhau để hút chất thải rắn", chuyên gia Green giải thích. Phân không bị vứt bỏ vào không gian, mà thay vào đó, được lưu trữ trên trạm ISS để xử lý trên một tàu vũ trụ quay trở về Trái đất.

Việc tiểu tiện của các phi hành gia được thực hiện nhờ một hệ thống khác. Mỗi người trong số họ đều được trang bị các ống phễu tiểu tiện cá nhân, gắn vào một bộ chuyển đổi ống. Khi một phi hành gia sử dụng ống phễu, các quạt sẽ hút nước tiểu đổ vào một bồn chứa nước thải.

Ông Green cho biết thêm rằng, theo lẽ tự nhiên, sẽ có 2 bộ thiết bị khác nhau phục vụ nhu cầu tiểu tiện của phi hành gia nam và nữ. Mọi chuyện thực tế dễ dàng hơn đối với phái yếu. Họ có thể áp các ống phễu trực tiếp vào cơ thể để hệ thống hút thực hiện nhiệm vụ còn lại.

Đối với các phi hành gia là nam giới, việc này khó khăn hơn đôi chút. Họ phải giữ các ống phễu đủ gần để thu nước tiểu, nhưng không được quá gần để tránh bị thương tổn.

Các bồn cầu trên trạm ISS không hề rẻ tiền. Chúng có thể có giá lên đến 19 triệu USD, trong khi toàn bộ nhà vệ sinh tiêu tốn đến 250 triệu USD. Điều này là vì, các nhà vệ sinh trong không gian là tổ hợp tương đối phức tạp.

Năm 2008, các phi hành gia đã bắt đầu dùng một hệ thống mới, có thể thanh lọc và chưng chất nước tiểu thành nước. Nước tiểu sau đó có thể được tái chế và sử dụng để uống hoặc tắm rửa.

Để phân tách các chất gây ô nhiễm trong nước tiểu khỏi nước, trạm ISS được trang bị một máy chưng cất xoay tròn, có dung tích khoảng 114 lít. Chiếc máy này đã tạo ra trọng lực nhân tạo trong khi đun sôi chất lỏng. NASA cũng đang hy vọng sẽ sản sinh ra điện từ nước tiểu nhờ một quá trình gọi là "thấm lọc tiên tiến".

"Hiện tại, giá mà chúng ta có thể tìm ra cách làm thứ gì đó hữu ích tương tự đối phân thải của con người trong không gian", ông Green nhấn mạnh.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)