Các nhà nghiên cứu Mỹ đã chế tạo một loại robot mới, có khả năng tự tạo hình dạng và bò trườn mà không cần sự can thiệp của con người.


Theo tạp chí Science, loại robot mới ra nhờ cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy origami cổ xưa của người Nhật.

Giáo sư Robert Wood đến từ Đại học Havard (Mỹ), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Tôi chắc chắn mọi người đã quan sát thấy trong các ví về origami rằng, bạn có thể gấp giấy để tạo ra những cấu trúc phức tạp tuyệt vời. Tuy nhiên, một khi tính phức tạp của những cấu trúc này vượt quá ngưỡng, việc gấp chúng bằng tay đòi hỏi sự chịu khó, kỳ công".

Giáo sư Wood cùng các cộng sự của mình ở Đại học Havard và cả Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã muốn biểu diễn sức mạnh của việc gấp vật liệu bằng cách thiết kế một cỗ máy phức tạp, có khả năng tự gập và biến hình. Họ đã phát triển một mẫu thiết kế gồm các lớp vật liệu phẳng, bao gồm các bản lề tự gập chịu sự điều khiển của các yếu tố đốt nóng tích hợp.

Nhóm nghiên cứu giải thích, về cơ bản, một vài trong số các lớp vật liệu phẳng cấu thành nên robot ở dạng rắn và giữ nguyê hình dạng, trong khi các lớp còn lại là polyme co rút vì nhiệt. Các yếu tố tích hợp giữa những lớp này cung cấp nhiệt nóng, cho phép robot tự tạo hình dáng.

Các chuyên gia quả quyết, kỹ thuật của họ có thể cho phép mọi người tạo ra các vật thể và thiết bị phức tạp rẻ và dễ dàng hơn nhiều so với hiện nay.

Kỹ thuật này có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và nhân đạo tại những vùng chiến sự hay làm thiết bị hỗ trợ vệ tinh hoặc các chuyến thám hiểm không gian.

Tiến sĩ Mirko Kovac, một chuyên gia robot trên không thuộc trường Cao đẳng Hoàng gia Anh, nhận định, công trình của các nhà khoa học Mỹ là ví dụ tuyệt vời cho việc, nghiên cứu robot tiềm tàng khả năng cải thiện đời sống của chúng ta. Theo ông, nguyên tắc tự gập - lắp ráp là một bước làm thay đổi cách thiết kế robot. Trong tương lai, các loại robot như vậy thậm chí có thể được chế tạo từ những vật liệu phân hủy sinh học và có thể được điều động tới những vùng đầm lầy để giám sát cũng như bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn hại.

Tuấn Anh (Theo BBC)