- Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu dịch Ebola bùng phát ở những khu vực giàu có hơn Tây Phi thì có lẽ vắc-xin và thuốc đặc trị căn bệnh nguy hiểm này đã ra đời sớm hơn.
Kỳ I: Vì sao thế giới vẫn chưa có thuốc trị Ebola?
Mục sư người Tây Ban Nha, người châu Âu đầu tiên nhiễm Ebola được đưa về nước trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt, đầy đủ sự hỗ trợ y tế ... Ảnh: EPA |
Theo lý giải của giáo sư John Ashton, chủ tịch tổ chức UK Faculty of Public Health, ngay cả khi dịch Ebola đang có xu hướng bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Tây Phi, nó vẫn không phải là một thị trường tiềm năng béo bở để một công ty dược phẩm lớn đổ tiền của và nhân lực để phát triển vắc-xin cũng như thuốc điều trị nó.
Ông tuyên bố, phương Tây cần phải bắt tay phòng chống và điều trị virus Ebola cứ như nó đang hoành hành ở những khu vực giàu có nhất của thủ đô London, Anh, thay vì chỉ ở các nước Tây phi nghèo đói như Sierra Leone, Guinea và Liberia hiện nay.
Viết trên báo The Independent, giáo sư Ashton đã so sánh các phản ứng của quốc tế trước bệnh Ebola với những phản ứng trước căn bệnh thế kỷ AIDS, vốn giết hại rất nhiều nạn nhân ở châu Phi trong nhiều năm trước khi các biệt dược đặc trị được phát triển vào thời điểm bệnh đã lan tới Anh và Mỹ vào những năm 1980.
"Trong cả 2 trường hợp [AIDS và Ebola], dường như sự liên quan của các nhóm người thiểu số không có quyền lực đã góp phần dẫn tới sự chậm trễ của các phản ứng và sự thất bại trong việc huy động một phản ứng y tế quốc tế đủ tầm.
Trong trường hợp của bệnh AIDS, phải mất nhiều năm mới có sự tài trợ nghiên cứu đúng mức và điều đó chỉ được thực hiện khi bệnh ảnh hưởng tới các nhóm người được coi là 'vô tội' (bao gồm phụ nữ, trẻ em, bệnh nhân mắc chứng máu khó đông), khiến giới truyền thông, các chính trị gia, cộng đồng khoa học và các tổ chức tài chính chú ý và vào cuộc", ông Ashton giải thích.
... đối lập với việc các nạn nhân tử vong vì Ebola bị gia đình vứt bỏ thối rữa ngoài đường. Cảnh sát và người dân địa phương không ai dám động vào nạn nhân vì sợ lây bệnh. Ảnh: AP |
Quan điểm của giáo sư Ashton đã nhận được sự tán đồng của tiến sĩ Stephen Morse, một nhà nghiên cứu bệnh dịch ở Trường Y tế công Mailman thuộc Đại học Columbia (Mỹ). Ông Morse đã nói úp mở về ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế như sau: "Các công ty sản xuất vắc-xin tất nhiên sẽ chịu tác động của những cân nhắc kinh tế. Thật kinh khủng khi phải nói ra sự thật rằng, họ cần phải được thuyết phục việc đó sẽ mang lại lợi ích kinh tế và đáng để thực hiện".
Sự thờ ơ của các hãng dược lớn đã buộc chính phủ Mỹ và các hãng dược nhỏ hơn phải ra tay. Trước đây, nhà chức trách Mỹ đã bắt đầu hợp tác với một số phòng nghiên cứu nhằm tìm ra cách phòng chống Ebola cũng như "anh em họ" của nó - virus Marburg, vì lo ngại chúng có thể bị lạm dụng để sản xuất vũ khí sinh học.
Đối với Mỹ, nhu cầu càng đặc biệt cấp thiết khi 2 nhân viên y tế là công dân nước này đã bị nhiễm virus Ebola trong khi tham gia điều trị cho các bệnh nhân ở Liberia. Hai bệnh nhân Mỹ đã sống sót trở về quê hướng khi được các đồng nghiệp bí mật gửi cho dùng 3 liều thuốc điều trị thử nghiệm có tên gọi ZMapp, do công ty kỹ thuật sinh hóa Mapp Biopharmaceutical Inc. ở San Diego, bào chế. Thuốc này chưa hề được thử ở người nhưng đã thử nghiệm ở thú vật và cho kết quả như ý.
ZMapp không ngờ đã có tác dụng tốt, giúp tình trạng sức khỏe của 2 bác sĩ Mỹ được cải thiện đáng kể từ khi dùng nó. Hiện, cả 2 người này đang được tiếp tục theo dõi và điều trị ở bệnh viện Mỹ.
Hàng loạt hy vọng về việc sớm ra đời vắc-xin và thuốc trị Ebola tăng cao, khi châu Âu cũng tiếp nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên là một nhà truyền giáo người Tây Ban Nha. Nhiều nhà quan sát bình luận, có lẽ đã đến lúc Mỹ và châu Âu nỗ lực hết sức trong cuộc chiến chống Ebola vì "lửa không chỉ còn cháy ở nhà hàng xóm", mà đã lan rộng và tiến sát đến cửa ngõ của họ.
Tuấn Anh