- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) chính thức phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gien đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hôm 11/8 vừa qua.

{keywords}

Ngô biến đổi gen được trồng thử nghiệm tại Việt Nam.

Bốn giống ngô được phê duyệt lần này bao gồm giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam.

Đây là bốn giống ngô biến đổi gen đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là giống cây trồng biến đổi gen đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.

Thông tin từ Bộ NN&PTNN cho biết, giấy xác nhận phê duyệt này được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi biến đổi gen.

Tuy nhiên, để có thể đưa vào sản xuất, 4 giống cây ngô biến đổi gen này vẫn phải chờ quyết định phê duyệt về an toàn sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, các giống cây trồng biến đổi gen, bao gồm cả 4 giống ngô nói trên vẫn phải chờ sự phê duyệt của Bộ Tài nguyên Môi trường trước khi được phép sử dụng chính thức tại Việt Nam.

Mặc dù cây trồng biến đổi gen đã được trồng tại một số quốc gia trên thế giới, song việc sản xuất và sử dụng cây trồng biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học.

Tại Việt Nam, tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.

Tại quyết định này, phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam được xác định là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học trong những năm qua.

Theo báo cáo của Bộ NN &PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2014, khối lượng nhập khẩu đậu tương là 856 nghìn tấn, giá trị 504 triệu USD, tăng 25,8% về lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; khối lượng nhập khẩu ngô đạt 2,33 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), với đà này, nhiều khả năng đến hết năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu đến trên 4,5 triệu tấn ngô (tức chiếm 2/3 nhu cầu), tức sẽ mất khoảng hơn 1 tỷ USD).

Lê Văn