Bạn đã biết tất cả các nguyên tắc của việc ăn uống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe? Một nhà khoa học hàng đầu của Anh sẽ tiết lộ nhiều nguyên tắc có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Rodney Bilton, giáo sư danh dự chuyên ngành hóa sinh tại Đại học Liverpool John Moores (Anh) đã dành 15 năm tìm hiểu và khám phá ra nhiều sự thực gây sửng sốt về cách sử dụng thực phẩm nhằm khiến cơ thể thon thả và khỏe mạnh. Dưới đây là một vài trong số những khám phá đáng chú ý nhất của ông:
Ăn chuối xanh thay cho chuối chín
Cùng với các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau và chất xơ nói chung, chuối xanh chứa rất nhiều tinh bột bền. Đây là dạng chất xơ dinh dưỡng hòa tan quan trọng nhất chúng ta có thể ăn. Chất xơ dinh dưỡng hòa tan không được tiêu hóa ở ruột non, nhưng được hấp thu chậm hơn nhiều ở phía dưới cơ thể, nơi nó được vi khuẩn lên men trong ruột kết để tạo ra năng lượng dài hạn.
Tinh bột bền là một loại cácbonhyđrat, nhưng không giống các loại cácbonhyđrat khác, cấu tạo hóa học riêng biệt đồng nghĩa với việc nó sẽ không khiến đường huyết của chúng ta tăng cao, nên không gây nguy cơ bệnh tiểu đường. Nó cũng góp phần làm cơ thể thon gọn nhờ việc kích thích giải phóng hoóc môn glucagon, vốn có tác dụng tăng tốc đốt cháy mỡ của cơ thể.
Tinh bột bền do đó là thành phần dinh dưỡng thiết yếu giúp chúng ta kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu, cũng như giúp các vi khuẩn có ích phát triển trong đường ruột, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột.
Chuối xanh là nguồn cung cấp tinh bột bền tốt nhất. Chuối càng xanh, lượng tịnh bột bền chứa đựng càng nhiều. Các tổ chức nghiên cứu y học châu Âu khuyến nghị, để có được lợi ích sức khỏe tốt nhất, mỗi người nên tiêu thụ ít nhất 20g tinh bột bền mỗi ngày.
Tránh ăn khoai tây nghiền
Giữ lượng đường hấp thu càng thấp càng tốt rất quan trọng đối với cả vòng eo và sức khỏe nói chung của chúng ta. Trong khi việc rõ ràng nên làm đã cắt giảm đồ uống chứa đường và thực phẩm đã qua chế biến, chúng ta cũng nên cân nhắc cách chuẩn bị thức ăn như thế nào trong bếp.
Cách chúng ta nấu thực phẩm có thể thay đổi lượng đường được giải phóng vào máu. Chẳng hạn như, lượng đường được giải phóng từ một củ khoai tây sẽ tăng 25% nếu nó được luộc rồi nghiền nhuyễn trước khi ăn, so với khi nó được cắt nhỏ để chiên.
Khoai tây và các loại cácbonhyđrat khác chứa các hạt tinh bột lớn. Đun nấu và nghiền nát các hạt tinh bột lớn này sẽ làm tăng lượng đường bằng cách phá vỡ lớp màng bao quanh chúng, giải phóng tinh bột vốn được hệ tiêu hóa của chúng ta chuyển thành đường ngấm vào máu. Việc nghiền nhuyễn, đập dập và thậm chí là nhai thực phẩm sẽ khiến quá trình hấp thu dễ dàng hơn và tăng tốc độ tiêu hóa ở ruột, do đó đẩy nhanh việc giải phóng đường vào máu.
Tương tự, ăn nguyên một quả táo sẽ giải phóng ít đường vào máu hơn món táo nghiền sinh tố và nước ép táo, theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet.
Thêm nước khi chiên/ rán
Hầu hết chúng ta đều nấu nướng với dầu thực vật, nhưng việc đun nóng chúng quá mức có thể phá vỡ dầu nấu ăn, sản sinh ra hóa chất độc hại gọi là lipid peroxide. Khi ăn, hóa chất này có thể phản ứng với các protein và ADN theo những cách được tin là làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư và tim mạch ở con người.
Vì vậy, khi chiên/rán, một mẹo hay là thêm một lượng nhỏ nước vào chảo rán. Cách làm này sẽ giảm nhiệt độ chiên/rán của dầu tới 100 độ C và làm mức độ tổn hại quá trình oxy hóa thường gây ra với chất béo.
Cẩn trọng khi ăn đậu phụ
Nhiều người ăn kiêng sử dụng đậu phụ như một loại thực phẩm thay thế hoàn toàn cho thịt. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học hé lộ, họ có thể đẩy mình vào nguy cơ thiếu hụt khoáng chất vì thói quen này.
Lí do là vì, đậu phụ được làm từ hạt đậu nành, rất giàu một chất có tên gọi là axit phytic. Trong khi đó, axit phytic được phát hiện có thể ngăn cản việc hấp thu các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, megiê, đồng, sắt và đặc biệt là kẽm.
Nhiều nhà khoa học nhất trí rằng, các chế độ dinh dưỡng giàu axit phytic từ hạt đậu này có thể góp phần dẫn đến sự thiếu hụt khoáng chất phổ biến ở các nước thuộc Thế giới thứ ba, ngay cả ở những khu vực không thiếu nguồn cung khoáng chất. Người Nhật đã tránh được vấn đề này bằng cách sử dụng song song đậu phụ với các chế phẩm đậu nành khác như tương miso hay món natto đã được lên men bằng các chủng vi khuẩn Bacillus subtilis. Vi khuẩn đã làm giảm lượng axit phytic trong những sản phẩm này.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)