Virus Ebola đang gây ra đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất từ trước tới nay ở châu Phi. Dư luận mới đây lại được dịp xôn xao khi một số chuyên gia đề cập tới nguy cơ mầm bệnh chết người này có thể biến đổi thành dạng truyền nhiễm được trong không khí. Liệu viễn cảnh đó có đáng sợ như nhiều người e ngại?


{keywords}
Hình ảnh dưới kính hiển vi của virus Ebola

Mặc dù một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm uy tín ở Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng, virus Ebola có thể phát triển khả năng lây lan trong không khí, các chuyên gia khác cho rằng nguy cơ này khó có khả năng thành hiện thực. Hơn thế nữa, theo họ, dạng virus Ebola lây lan trong không khí thực tế có thể ít nguy hiểm hơn chủng virus đang gây ra dịch hoành hành hiện nay.

Tuần trước, Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) đã cho đăng tải một bài bình luận trên báo New York Times, nêu quan điểm cho rằng, nguy cơ virus Ebola biến đổi thành dạng truyền nhiễm trong không khí có thực và các nhà vi trùng học không thích bàn luận về nó một cách công khai.

Theo ông Osterholm, hiện tại, virus Ebola chỉ có thể lây lan thông qua tiếp xúc với các chất dịch cơ thể, nhưng mỗi trường hợp người nhiễm Ebola mới mang đến cho virus một cơ hội đột biến.

"Nếu các đột biến nhất định xảy ra, nó sẽ đồng nghĩa rằng, chỉ thở cũng sẽ đẩy ai đó tới nguy cơ nhiễm Ebola. Bệnh nhiễm trùng có thể lây lan rất nhanh tới mọi khu vực khác của thế giới", ông Osterholm viết.

Các chuyên gia khác không tán thành quan điểm này. Theo tiến sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pittsburgh (Mỹ), mặc dù về mặt lý thuyết Ebola có thể biến thành dạng truyền nhiễm được trong không khí, nhưng khả năng này ít có nguy cơ xảy ra vì "xét về mặt tiến hóa, đây có thể không phải là con đường phát triển tốt nhất cho virus tiến theo".

Ông Adalja giải thích, virus Ebola đang biến đổi hoặc thay đổi vật liệu di truyền, tương đối thường xuyên, nhưng điều này không đồng nghĩa nó có thể trở thành dạng lây lan trong không khí. Virus HIV cũng có tỉ lệ biến đổi cao, nhưng nó không thâu tóm khả năng truyền nhiễm qua không khí, mặc dù đang tấn công con người với quy mô lớn hơn nhiều so với virus Ebola.

Trong thực tế, không có virus nào trong số 23 virus đang gây các trọng bệnh cho con người từng được ghi nhận biến đổi theo cách làm thay đổi phương thức lây nhiễm của chúng, theo tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu phó ủy viên hội đồng thuộc Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.

Chuyên gia Adalja nhấn mạnh thêm rằng, virus có thể sẽ phải trải qua hàng loạt biến đổi rất chính xác, theo đúng trình tự ở nhiều gen mới có khả năng lây lan trong không khí. Derek Gatherer, nhà nghiên cứu ứng dụng vi tính vào phân tích dữ liệu sinh học tại Đại học Lancaster (Anh), nhất trí với quan điểm này. Theo ông, khả năng truyền nhiễm trong không khí "đòi hỏi sự kết hợp của nhiều sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên và không chắc xảy ra" cũng như việc "virus phải khô rất nhanh trong không khí", một đặc tính Ebola hiện không có.

Và ngay cả khi Ebola trở thành dạng lây lan trong không khí, điều đó cũng không bảo đảm nó sẽ nguy hiểm hơn dạng hiện tại. Điều này là vì, các biến đổi của virus có thể đi kèm sự đổi chác: virus có thể giành được khả năng phát tán trong không khí, nhưng mất khả năng truyền nhiễm cho con người hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, cho tới nay vẫn chưa có bằng chứng về bất kỳ filovirus nào (các virus thuộc cùng họ với virus Ebola) truyền nhiễm qua đường không khí ở người.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, điều quan trong là phải theo dõi sát sao virus Ebola trong đợt dịch bùng phát hiện nay cũng như trong các đợt dịch tương lai, để xem các biến đổi nào đang diễn ra và liệu những biến đổi này có ảnh hưởng tới việc lây lan virus hay không.

Tuấn Anh (Theo Live Science)