Cuộc chiến với hành vi tiêu thụ và buôn bán sừng tê giác ngày càng trở nên khó khăn khi người Việt vẫn có tâm lý coi mảnh sừng tê giác như một thứ thể hiện địa vị xã hội.

Bất chấp các nỗ lực giảm thiểu tình trạng buôn bán sừng tê giác ở khắp các quốc gia, nạn săn bắt trái phép tê giác tại Nam Phi, quốc gia sở hữu 70% trong tổng số 25 ngàn cá thể tê giác tự nhiên  – đang ngày càng trở nên trầm trọng.

{keywords}
Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Châu Á trong đó có Việt Nam đang đẩy loài tê giác đến bờ vực tuyệt chủng.

Thống kê cho thấy, chỉ riêng trong năm 2013, có tới hơn 1.000 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam (tăng gần 8000% so với  năm 2007).

Năm 2014, nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không những không giảm mà còn có xu hướng khốc liệt hơn. Tính đến ngày 11/9/2014, đã có 769 cá thể tê giác bị giết hại. Như vậy cứ mỗi ngày Nam Phi lại mất đi 3 cá thể tê giác.

Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời.

Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ đồng thời là điểm trung chuyển của các đường dây buôn bán sừng tê giác lớn nhất thế giới.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thì mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng sừng tê giác tiêu thụ tại Việt Nam, tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy, người Việt Nam tham gia vào việc vận chuyển, buôn bán trái phép cũng như sử dụng sừng tê giác như phương thuốc cổ truyền.

Đáng nói hơn, ngoài niềm tin sâu xa về tác dụng chữa bệnh thiếu căn cứ khoa học, phần đông người Việt coi sừng tê giác như một biểu tượng của sự giàu có và thành đạt.

Một khảo sát với 720 người Việt Nam của Mạng lưới giám sát buôn bán động vật, thực vật hoang dã (TRAFFIC) thực hiện trong năm 2013 cho thấy, những người mua sừng tê giác tin rằng, việc sở hữu sừng tê giác cũng như khả năng mua nó cho người khác khẳng định địa vị xã hội của họ và củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong cùng mạng lưới.

Theo TRAFFIC, sừng tê giác đôi khi được mua chỉ với mục đích duy nhất là quà tặng cho người thân trong gia đình, đối tác kinh doanh hoặc những người có quyền lực.

“Nhu cầu mua sừng tê giác như một thứ hàng hóa xa xỉ của tầng lớp trung thượng lưu tại Việt Nam, bao gồm các doanh nhân, người nổi tiếng và các quan chức chính phủ được xác định là tác nhân mạnh nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng tê giác hiện thời”, kết quả khảo sát của TRAFFIC khẳng định.

Cuộc chiến gian nan

TS Naomi Doak, Trưởng đại diện TRAFFIC - Chương trình Tiểu vùng Mê kông Mở rộng, cho rằng, bên cạnh các nỗ lực thực thi pháp luật còn cần phải tập trung giải quyết các động lực đằng sau nhu cầu cho các sản phẩm này.

{keywords}
Một trong những hình ảnh của chiến dịch truyền thông "Sức mạnh Ý chí". (Ảnh: Lê Văn)

Chính vì vậy, TRAFFIC đã phối hợp với Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (PSI) triển khai chiến dịch truyền thông “Sức mạnh Ý chí” với mục tiêu thay đổi hành vi của những người đàn ông thành thị ở độ tuổi 35-50 tại hai thành phố chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chiến dịch “Sức mạnh Ý chí” đề cao vai trò của khái niệm ‘Chí’ trong văn hóa Việt Nam và nhấn mạnh thực tế rằng, các cá nhân năng động và xuất sắc không cần một mảnh sừng tê giác để thể hiện sự giàu có, may mắn, hay sức mạnh của họ”, bà Josselyn Neukom, Giám đốc Quốc gia của PSI cho biết.

Dựa trên kết quả nghiên cứu nghiêm túc của TRAFFIC về hành vi và thói quen tiêu thụ sừng tê giác của người Việt, mục tiêu chiến dịch truyền thông “Sức mạnh Ý chí” nhắm thẳng vào nhận thức sai lầm của người Việt, coi sừng tê giác như một thứ để khẳng định địa vị xã hội của mình.

Chính vì vậy, mặc dù không có bất cứ hình ảnh nào về những con tê giác, song Chiến dịch truyền thông "Sức mạnh Ý chí" được cho là một chiến dịch truyền thông mới mẻ và sáng tạo nhằm giảm thiểu  nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam. 

"Hiện nay, chúng ta đang rất cần các phương pháp mới và sáng tạo nhằm truyền tải các thông tin đến người sử dụng sừng tê giác và những người chưa sử dụng. Tôi tin rằng, chiến dịch này sẽ là lời giải cho bài toán này",TS Naomi Doak khẳng định. 

Tuy nhiên, bà Neukom cho rằng, việc thay đổi hành vi tiêu dùng không phải là một sớm một chiều. Do vậy, đây chắc chắn phải là một chiến dịch kéo dài trong nhiều năm mới có thể thay đổi được nhận thức và tâm lý sai lầm của người Việt.

Chúng tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ trở thành một mô hình mẫu cho các quốc gia khác về sự thành công của chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng”, Bà Neukom khẳng định.

Lê Văn