- Với hàng ngàn nguồn phóng xạ thuộc loại có nguy cơ gây hại cho người có liên quan nằm rải rác cả nước, việc tìm ra phương pháp hữu hiệu để bảo quản, sử dụng an toàn và truy tìm khi thất lạc đã và đang được triển khai.

Dù nguồn phóng xạ ở TP. Hồ Chí Minh bị mất trộm và may mắn vừa được tìm thấy, nhưng sự băn khoăn, lo lắng vẫn còn đó. Vì số nguồn phóng xạ có thể gây nguy hiểm cho con người ở nước ta ngày mỗi tăng và nay đã đạt đến con số hàng ngàn. Sự mất mát lần này cũng không phải là đầu tiên, điều này thể hiển sự bất cẩn và cả sự hiểu biết không đầy đủ, không chỉ ở người dân bình thường mà cả ở những người liên quan và những cấp quản lý có trách nhiệm.

{keywords}
Thiết bị chứa nguồn phóng xạ Ir-192 ở quận Tân Bình,  TP.HCM bị mất và được tìm thấy trong tình trạng an toàn.

Do đó, việc cung cấp thêm những thông tin căn bản nhất cho mọi người là điều cần thiết.

Số nguồn phóng xạ lớn, rải rác cả nước

Với đà ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phát triển, nguồn đồng vị phóng xạ sử dụng trong các ngành kinh tế xã hội ở nước ta bắt đầu xuất hiện từ trước những năm 50 của thế kỷ trước đã gia tăng một cách đáng kể trong vài chục năm gần đây, về số lượng và đồng thời về cường độ phát bức xạ của nguồn, tức mức độ nguy hiểm đối với những người có liên quan nếu không có sự hiểu biết tối thiểu.

Đặc biệt, từ năm 1984, sau khi lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đưa vào vận hành trở lại, các ứng dụng ngày rộng rãi. Trong lĩnh vực y học, chất phóng xạ nói riêng và kỹ thuật hạt nhân nói chung bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn (để chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo như ung thư), không chỉ ở các bệnh viện lớn trung ương mà cả ở một số bệnh viện địa phương.

Trong công nghiệp, chất phóng xạ phát các bức xạ anpha, bêta và đặc biệt gamma, cùng với các máy phát tia X (hay rơnghen) có mặt ở các khâu tự động hóa quá trình sản xuất trong các nhà máy xi măng, nhà máy giấy, nhà máy sản xuất nước uống đóng lon hoặc trong công tác kiểm tra chất lượng mối hàn đường ống của các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng bê tông, chất lượng đường bộ…

Trong nông nghiệp cũng sử dụng nguồn phóng xạ trong bảo quản lương thực, thực phẩm, rau quả; kích thích tạo giống mới… Và cả ở lĩnh vực môi trường, thủy văn đồng vị, hải quan…

Theo thống kê của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện cả nước có khoảng gần 1.000 cơ sở đang sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ với khoảng gần 6000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn mạnh yếu với các mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau.

Ở đây, đáng chú ý là trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy (có tên là phương pháp NDT) tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng các mối hàn… sử dụng các nguồn phóng xạ có hoạt độ cao, nói chung, phát ra nhiều bức xạ có hại và được các cơ sở mang đi chiếu chụp tại hiện trường. Đây chính là nhóm nguồn có tiềm ẩn nguy cơ cao về mặt tác hại của bức xạ và về độ mất an ninh, an toàn có thể gây ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng. Hiện tại, trong cả nước có khoảng 60 cơ sở được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ với khoảng gần 1000 nguồn phóng xạ có hoạt độ cao (bảo gồm cả nguồn đang sử dụng di động hoặc lưu giữ tại các kho nguồn tại cơ sở). Rõ ràng, việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với nhóm nguồn này cần phải được quan tâm đúng mức.

Chính nguồn phóng xạ Ir-192 vừa gây ra ồn ào cả nước có hoạt độ khá lớn, khoảng 20,5 Ci (tính đến ngày 12/9/2014); với Ci là ký hiệu đơn vị đo hoạt độ (viết đầy đủ là Curie, đọc là Quy-ri), thuộc nhóm có tiềm ẩn nguy cơ cao nói trên.

Mức độ nguy hiểm phóng xạ và sự nhận biết

Thực chất, thiết bị chụp ảnh vừa nhắc đến là rất đơn giản về cấu tạo và cả cách sử dụng. Bất kỳ ai, nếu có chút kiến thức đều có thể sử dụng được. Về mặt an toàn bức xạ, nếu nguồn còn nằm trong máy, chưa được mở ra thì không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu đã mở ra và đặc biệt đưa nguồn phóng xa ra hẳn ngoài máy; tức ngoài buồng bảo về bằng uranium nghèo thì tùy khoảng cách và thời gian tiếp xúc, mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. Nếu khoảng cách vài chục mét trở lên và tiếp xúc thời gian ngắn thì không sao; còn nếu ở gần và tiếp xúc thời gian dài thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Có thể nhận biết nguồn phóng xạ từ hậu quả do bức xạ phát ra và gây ra ở cơ thể cuả những người có tiếp xúc trong những tư thế khác nhau đối với nguồn.

Trước hết nói đến sự chiếu ngoài, khi đó nguồn ở bên ngoài còn bức xạ phát ra chiếu vào cơ thể. Với trường hợp này, các tia bức xạ có thể chiếu trên toàn cơ thể, hoặc giới hạn trong một phần cơ thể. Còn chiếu trong xảy ra do nhiễm chất phóng xạ từ ăn uống, từ hít thở hoặc qua những vết xây xước hay vết thương. Người ta còn phải phân biệt sự chiếu xạ xảy ra một cách cấp tính, liên tục kéo dài hay gián đoạn. Phân biệt cả chiếu xạ xảy ra độc lập hay còn kèm theo các tổn thương khác như chấn thương, bỏng nhiệt…

Sự nhận biết các tổn thương bức xạ có thể qua những biểu hiện lâm sàng. Quá trình diễn biến đặc trưng sau khi bị chiếu xạ toàn thân từ một nguồn bức xạ xuyên thấu như sau: ở giai đoạn tiền khởi, xảy ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi và có thể sốt kèm tiêu chảy, tiếp theo là giai đoạn ủ bệnh thể hiện ở các triệu chứng viêm nhiễm, chảy máu, bệnh dạ dày và ruột. Các biểu hiện trong thời gian này là do thiếu máu hoặc mất các tế bào thuộc dạ dày, ruột…

Trong trường hợp chiếu xạ cục bộ, tùy theo liều chiếu, tại chỗ bị chiếu xuất hiện ban đỏ, phù nề, bỏng rộp khô và ướt, tróc vảy, đau đớn, hoại tử hoặc rụng lông. Những tổn thương da cục bộ tiến triển chậm theo thời gian (tuần, tháng) và có thể trở nên rất đau đớn và khó điều trị bằng cách thông thường.

Nếu chiếu xạ một phần cơ thể, sẽ biểu hiện qua tập hợp một số triệu chứng khác nhau đề cập ở trên, tùy theo liều chiếu và thể tích phần cơ thể bị chiếu. Các triệu chứng bổ sung khác có thể quan hệ vùng mô và cơ quan liên quan.

Thông thường các triệu chứng sớm trên đây xảy ra khi cơ thể hấp thụ liều bức xạ cao. Do đó, trong trường hợp này dễ nhận biết người liên quan. Chẳng hạn đó là người sử dụng nhưng sơ suất trong thao tác, hoặc là người xa lạ tò mò thiếu hiểu biết, và có thể là người đánh cắp nguồn phóng xạ như trường hợp xảy ra với nguồn Ir-192 ở ngoại ô TP. Hồ Chí Minh tuần qua v.v…Điều còn may mắn đối với trường hợp cụ thể này là nguồn phóng xạ được tìm thấy khi thủ phạm chưa có hành vi nguy hiểm gì.

Với sự phát triển hiện nay của công nghệ thông tin và tự động hóa, phương pháp nhận biết nguồn phóng xạ từ xa đã được tính đến. Tại Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân tại Seoul (Hàn Quốc) năm 2012, Hàn Quốc, Việt Nam và IAEA đã thống nhất xem xét triển khai dự án thí điểm thiết lập Hệ thống định vị nguồn phóng xạ (viết tắt là RADLOT) tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ, hệ thống của Hàn Quốc trong việc kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ đối với hoạt động chụp ảnh phóng xạ NDT. Đầu năm 2014 một văn bản đã được ký kết tại Vienne (Áo) quyết định triển khai thí điểm ở Việt Nam vào năm 2015.

Hệ thống RADLOT (Radiation Source Location Tracking System) là một hệ thống cho phép giám sát theo thời gian thực những máy chụp ảnh phóng xạ NDT sử dụng nguồn phóng xạ. Hệ thống bao gồm: Máy thu phát sóng di động gắn trên các máy chiếu xạ  nối với Hệ thống quản lý trung tâm ở xa. Hệ thống RADLOT có thể xác định vị trí và hành trình di chuyển các nguồn phóng xạ theo thời gian thực dựa trên các thông tin được định vị thu nhận từ tín hiệu vệ tinh (GPS) và mạng lưới viễn thông di động.

Thông qua việc kiểm soát này cho phép cơ quan quản lý và và các đơn vị sử dụng phản ứng tức thì tới các hành động tiếp cận trái phép, trộm hoặc mất cắp, giúp tăng cường an toàn và an ninh đối với nguồn phóng xạ. Rõ ràng, nếu được thực hiện, hệ thống RADLOT sẽ tăng cường được cơ chế kiểm soát an ninh, an toàn đối với công tác quản lý các nguồn phóng xạ dùng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp tại Việt Nam.

Minh Trần