Các thông tin mật vừa được tiết lộ gần đây cho thấy, chính phủ liên bang Mỹ hồi những năm 1960 từng lên kế hoạch sử dụng 23 quả bom nguyên tử để thổi bay các dãy núi ở bang California nhằm giải phóng mặt bằng xây đường sắt và cao tốc mới.
Kế hoạch trên từng được các nhà khoa học Mỹ vào thời điểm đó coi là an toàn. Nó là một trong hơn 20 ý tưởng nảy sinh ở giai đoạn đỉnh điểm của thời đại nguyên tử, trong khuôn khổ chương trình Operation Plowshares - một nỗ lực nhằm tận dụng sức hủy hoại đáng sợ của vũ khí hạt nhân phục vụ mục đích dân sự.
Các ý tưởng khác bao gồm cả việc dùng 5 quả bom đào một bến cảng ở khu vực triền dốc phía bắc Alaska, nhằm thay thế cho kênh đào Panama qua Nicaragua cũng như sử dụng việc nổ ngầm dưới đất để giải phóng dầu khỏi sa thạch chứa nhiên liệu ở Canada.
Trong giai đoạn này, các kỹ sư đang thử nghiệm những giới hạn của lực đẩy hạt nhân, thông qua các dự án về du thuyền, phà, tàu chiến, máy bay hay xe hơi chạy bằng năng lượng nguyên tử. Hãng Forrd thậm chí còn thiết kế một mẫu xe hơi có tên gọi Nucleon, được trang bị một lò phản ứng hạt nhân.
Tính tổng cộng, chương trình Operation Plowshares đã chi gần 250 triệu USD để nghiên cứu về việc sử dụng vũ khí hạt nhân cho các mục đích dân sự trong khoảng thời gian từ năm 1959 tới năm 1971. Chương trình này cũng đã tiến hành 27 vụ thử hạt nhân trong giai đoạn đó.
Theo Gizmodo, dự án Carryall với việc dùng 23 quả bom nguyên tử để giải phóng mặt bằng xây một tuyến đường sắt và cao tốc mới qua sa mạc miền nam Mojave, ra đời nhằm tiết kiệm cho chính phủ liên bang 8 triệu USD chi phí dùng vật liệu nổ thông thường như ước tính của Ủy ban năng lượng nguyên tử quốc gia Mỹ năm 1963.
Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân Sedan năm 1962 ở bang Nevada của Mỹ đã bộc lộ các nguy hiểm của việc sử dụng và nổ tung vũ khí hạt nhân cho xây dựng dân dụng, khi luồng phóng xạ nhiễm độc cho con người ở xa tới tận bang Iowa. Dự án Carryall bị hoãn thực hiện và cuối cùng các kỹ sư đã dùng thuốc nổ thông thường để cho nổ xuyên dãy núi Bristol xây đường.
Các thảm họa và sự cố gần như thảm họa tiếp sau đó đã dấy lên nỗi sợ hãi về sức mạnh hạt nhân cho không chỉ người dân Mỹ, mà cả cộng đồng thế giới mãi tới ngày nay. Đáng kể nhất là sự tan chảy một phần lò phản ứng hạt nhân diễn ra ở Đảo ba dặm thuộc bang Pennsylvania của Mỹ năm 1979 và thảm họa nguyên tử Chernobyl ở Ukrain năm 1986.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)