Theo truyền thuyết, sinh vật nửa người, nửa cá xuất hiện lần đầu tiên ở vương quốc Assyria cổ đại (nay là Syria) khi nữ thần Atargatis tự biến mình thành người cá vì cảm thấy tội lỗi sau khi vô tình giết hại người yêu của mình.
h |
Nàng tiên cá trong các tác phẩm văn học, hội họa, điện ảnh được cho là bắt nguồn từ một hiện tượng có thật trong đời thực. |
Trong lịch sử, các sinh vật đầy mê hoặc này được quy kết có liên quan đến các thiên tai, thảm họa ở châu Âu, châu Phi và châu Á, bao gồm cả lũ lụt, mưa bão, đắm tàu và chết đuối.
Các nàng tiên cá cũng được khắc họa nhiều trong sách báo, tranh ảnh, phim và kịch, bao gồm cả câu chuyện cổ tích nổi tiếng "Nàng tiên cá bé nhỏ" của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen.
Một số chuyên gia cho rằng, các ý tưởng về nàng tiên cá có thể bắt nguồn từ một chứng bệnh có thật trong đời thực. Sirenomelia hay còn được biết đến với tên gọi "hội chứng Nàng tiên cá" là một căn bệnh đe dọa tính mạng con người, đặc trưng bằng sự xoay vòng và tan chảy của đôi chân bệnh nhân. Đây là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, khiến người bị bệnh trông như có một chi hình đuôi cá từ trong bào thai.
Các mẫu bộ xương và bào thai mắc "Hội chứng Nàng tiên cá" đang được lưu giữ tại Bảo tàng Vrolik, Hà Lan. |
Sử gia y tế, tiến sĩ Lindsey Fitzharris nói, "hội chứng Nàng tiên cá" xảy ra do trục trặc ở hệ thống mạch máu, khi dây rốn không hình thành 2 động mạch. Hậu quả là không đủ nguồn cung cấp máu tới bào thai. Động mạch duy nhất "ăn cắp" máu và chất dinh dưỡng từ phần dưới cơ thể, chuyển hướng chúng ngược trở lại nhau thai. Do thiếu dinh dưỡng, bào thai không phát triển 2 chân riêng rẽ.
Dẫu vậy, chứng bệnh này vô cùng hiếm gặp, chỉ tấn công trung bình 1 trong 100.000 trẻ, nhưng tăng 100 lần nguy cơ xảy ra ở các cặp sinh đôi cùng trứng. Những đứa trẻ chào đời với "hội chứng Nàng tiên cá" hiếm khi sống quá vài ngày sau khi chào đời với một nửa số trường hợp tử vong ngay sau khi sinh.
Tiến sĩ Fitzharris, tác giả trang blog The Chirurgeon's Apprentice, tiết lộ thêm: "Trong quá trình nghiên cứu, tôi phát hiện rất ít thông tin về lịch sử chứng bệnh trên. Đây đó cũng có một vài thông tin tuyên bố rằng, các bào thai mắc chứng sirenomelia thỉnh thoảng được lưu giữ trong các bình bảo quản và được đem ra trưng bày trong những cuộc triển lãm kinh dị trong thế kỷ 19. Tuy nhiên, những nguồn tin này mập mờ đến mức khó chịu".
Theo sử gia Fitzharris, một atlas 4 tập xuất bản năm 1891 có nhan đề "Các dị tật kỳ quái ở người" có đề cập ngắn gọn đến chứng sirenomelia, nhưng không mảy may tiết lộ việc các bác sĩ cổ xưa hiểu biết như thế nào về căn bệnh này. Dẫu vậy, nhà nghiên cứu này đã tìm thấy một mẫu bào thai mắc "hội chứng Nàng tiên cá" hồi đầu thế kỷ 20 ở Bảo tàng Y - Dược quốc gia Mỹ và 3 mẫu bào thai dị tật tương tự khác, đã trải qua mô phỏng tái cấu trúc xương 3D, ở Bảo tàng Giải phẫu học thuộc Đại học Naples số 2 (Italia).
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Fitzharris, bộ sưu tập bào thai sirenomelia lớn nhất hiện nay là ở Bảo tàng Vrolik (Amsterdam, Hà Lan). Chúng nằm trong số hơn 5.000 mẫu bảo quản về các dị tật của người và động vật thuộc các lĩnh vực giải phẫu học, bệnh học, phôi thai học và dị tật bẩm sinh.
Tiến sĩ Fitzharris nhấn mạnh thêm rằng, không có ghi chép về bất kỳ trường hợp nào mắc "hội chứng Nàng tiên cá" sống sót trong quá khứ. Hầu hết các bệnh nhân đều tử vong trong vòng vài ngày sau sinh do suy thận hoặc ruột. Thậm chí ngày nay, số trường hợp trẻ chống lại được căn bệnh quái ác này cũng vô cùng ít ỏi, với vài ca sống sót qua giai đoạn sơ sinh.
Năm 1988, Tiffany Yorks đã trải qua phẫu thuật phân tách 2 chân trước ngày sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời mình. Ở tuổi 26, cô hiện là người mắc bệnh sirenomelia sống thọ nhất từ trước tới nay. Dẫu vậy, Tiffany hiện vẫn gặp một số vấn đề về vận động do xương dễ vỡ, và buộc phải sử dụng nạng chống và xe lăn để đi đó đây.
"Nàng tiên cá bé nhỏ" người Peru đã tự đứng và đi vịn sau ca phẫu thuật thứ hai lúc 2 tuổi. |
Một trường hợp sống sót nổi tiếng khác là một bé gái người Peru có biệt danh "Nàng tiên cá bé nhỏ", với 2 chân dính liền từ háng đến đầu gối và 2 chân bẹt, xòe ra ngoài. Năm 2006, một nhóm gồm 8 chuyên gia đã tiến hành ca phẫu thuật thứ hai thành công ở cô bé người cá Milagros Cerron, 2 tuổi vào thời điểm đó, giúp cô bé dần có khả năng tự đứng một mình mà không cần trợ giúp và có thể vịn đi được các bước nhỏ có hỗ trợ.
Năm 2006, các bác sĩ tính toán rằng, Milagros cần tiếp tục trải qua ít nhất 16 cuộc phẫu thuật nữa trong 1 thập kỷ tới để tái lập và hội phục các cơ quan tiêu hóa, bài tiết nước tiểu và sinh dục cũng bị trục trặc bẩm sinh của cô bé.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail, ABC)