Nhân sự kiện giải thưởng danh giá Nobel năm nay sẽ được trao vào tuần lễ tới, nhiều nhân vật từng đoạt giải Nobel đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về tình trạng của Trái Đất hiện đang bị khai thác quá mức, đòi hỏi cần có một cuộc cách mạng về thái độ ứng xử của con người.

{keywords}
Cánh đồng Hortobagy, Hungary ngày 24/09/2014. Ảnh: nguồn Reuters

Mười một khuôn mặt đoạt giải Nobel, chủ yếu là các nhà khoa học, sẽ tham gia cuộc hội thảo kéo dài 4 ngày ở Hong Kong (Trung Quốc) từ ngày 8/10 tới song song với thời điểm trao giải Nobel 2014 tại Oslo, để nhắc nhở rằng chỉ có việc sử dụng tài nguyên một cách thông minh hơn và hợp lý hơn mới có thể cứu được hệ sinh thái mà nhân loại đang lệ thuộc.

Ông Peter Doherty, đồng chủ nhân giải Nobel Y học 1996 nhấn mạnh, tình hình hiện nay là « thảm họa ». Khí hậu bị hâm nóng, rừng bị phá, mặt đất xói mòn và nguồn nước xuống cấp, các đại dương bị acid hóa, ô nhiễm hóa chất, các loại bệnh liên quan đến môi trường…danh sách các vết thương của hành tinh không ngừng nối dài thêm. Theo ông, từ nay người tiêu dùng, các doanh nghiệp và chính khách cần phải cân nhắc mọi hoạt động của mình.

Trong lần gặp gỡ vào thứ Tư này tại Hồng Kông, các “Nhà Nobel” sẽ suy nghĩ về sự thách thức của nhiệt độ trái đất tăng lên 4°, gấp đôi giới hạn mà cộng đồng quốc tế đề ra là 2°. Nhân loại đang tiêu xài quá mức những nguồn lợi thiên nhiên!.

Báo cáo Hành tinh Sống 2014 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố hôm thứ Ba ngày 30/9 nhắc nhở: hiện nay con người mỗi năm « tiêu thụ » đến 1,5 Trái Đất. Nói cách khác, chúng ta sử dụng hơn 50% nguồn lợi thiên nhiên mà hành tinh có thể tái sinh ra.

Ông Brian Schimidt, đồng chủ nhân giải Nobel vật lý 2011 nhận định: «Sự cạn kiệt đang ở trước mắt. Tiêu thụ nguyên liệu không ngừng nhân lên, để phục vụ cho 9 tỉ người trên trái đất từ nay đến năm 2050, vốn muốn có cách sống như ở phương Tây hiện nay. Trong 35 năm gần đây, chúng ta đang gây tổn hại nhiều hơn cả 1.000 năm trước ».

Đối với nhà khoa học Israel Ada Yonath, đồng chủ nhân giải Nobel hóa học 2009, không chỉ bảo vệ động vật và thực vật, mà nhân loại còn phải thận trọng hơn với các nguồn lợi khác như các loại kháng sinh.

Như vậy phải chọn giải pháp nào? Nhiều “Nhà Nobel” cho rằng ưu tiên phải dành cho năng lượng. Nhiên liệu hóa thạch cần được thay thế càng nhanh càng tốt bằng các loại năng lượng sạch và công nghệ mới, mà các nước mới trỗi dậy có thể nhanh chóng thụ hưởng. 

Một mối quan tâm khác nữa là xóa đi cách nhìn thiển cận của một bộ phận dư luận, kiên nhẫn giải thích cho công chúng vì sao sự thay đổi cách ứng xử là có lợi cho con người.

George Smoot, đồng chủ nhân giải Nobel vật lý 2006 (nhờ các thành quả nghiên cứu về vụ nổ Big Bang đã hình thành vũ trụ) đưa ra ví dụ về việc thắp sáng bằng LED, thay thế dần các bóng đèn tròn. Nhưng ông nói thêm, một phát minh hay ho không đủ, mà còn phải được sử dụng rộng rãi, và điều này bắt đầu với việc mỗi một người đều thấu hiểu. Như vậy cần có những giải pháp mà chính quyền cho phép và khuyến khích, cũng như người dân chấp nhận.

P.V. (Theo Reuters)