Các chuyên gia khảo cổ học vừa phát hiện những bức tranh hang động cổ, tới 40.000 năm tuổi trên đảo Sulawesi của Indonesia. Khám phá này đã làm dấy những câu hỏi về người nguyên thủy cũng như sự lan truyền hình thức nghệ thuật này thời tiền sử.


{keywords}

Một nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia khảo cổ người Indonesia và Australia đã có công phát hiện ra những bức tranh hang động quý hiếm trên. Các tác phẩm hội họa cổ xưa này bao gồm những hình vẽ về động vật và các mẫu bàn tay trên vách các hang động đá vôi ở tây nam Indonesia.

Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, nhóm khảo cổ đã phát hiện tổng cộng 12 mẫu bàn tay và 2 tranh vẽ động vật tượng trưng tại 7 khu hang động đá vôi ở Sulawesi. Kết quả đo phóng xạ cácbon xác nhận, các bức tranh hang động cổ trên đảo Sulawesi có niên đại lên tới 40.000 năm, gần bằng tuổi thọ của những bức tranh hang động được phát hiện ở châu Âu. 

{keywords}
Các bức tranh vẽ hang động phát hiện ở Sulawesi, tây nam Indonesia được xác định có tuổi thọ tới 40.000 năm. Ảnh: PA

Tác phẩm tranh hang động đầu tiên được tìm thấy ở Indonesia là vào những năm 1950, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được niên đại của nó.

Bức tranh hang động cổ nhất thế giới hiện nay là một chấm đỏ được phát hiện trong hang El Castillo ở Cantabria, miền bắc Tây Ban Nha. Bức tranh này có tuổi thọ tới 40.800 năm và được cho là ra đời không lâu sau khi người hiện đại tới châu Âu.

Vị trí giữa các hang động ở Tây Ban Nha và Indonesia cách nhau gần 13.000km, nên khám phá mới đã làm dấy lên câu hỏi về nơi khởi phát loại hình nghệ thuật này đầu tiên cũng như cách nó phát triển khắp toàn cầu thời tiền sử như thế nào.

{keywords}
Cận cảnh một mẫu vẽ bàn tay mới được phát hiện ở Indonesia. Ảnh: PA

Theo đồng tác giả nghiên cứu Thomas Sutikna đến từ Đại học Wollongong và cũng là thành viên của nhóm khám phá Indonesia từng tìm ra một giống người tí hon mới có biệt danh "Hobbit" cách đây 10 năm, tranh vẽ trên đá là "một trong các dấu hiệu đầu tiên về một bộ óc có trí tưởng tượng" của người nguyên thủy.

Ông Sutikna nhận định: "Tranh vẽ trên đá có thể ra đời một cách độc lập, vào cùng thời gian ở các cộng đồng người hiện đại thưở ban đầu tại châu Âu và Đông Nam Á, hoặc có thể được những người hiện đại đầu tiên phát triển rộng rãi khi rời châu Phi trước đó hàng chục nghìn năm. Và nếu như vậy, tranh vẽ về động vật có thể có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều".

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, Science Daily)