Các nhà khoa học tin rằng, họ đã khám phá ra nguồn gốc của sự giao cấu và loài đầu tiên làm "chuyện ấy" trên Trái đất.


{keywords}

Cá Microbrachius dicki là sinh vật đầu tiên giao phối theo cách giao cấu và chúng làm "chuyện ấy" trong tư thế dàn hàng ngang. Ảnh: Đại học Flinders

Theo một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế, một loài cá có tên gọi Microbrachius dicki là động vật đầu tiên trên Trái đất ngừng sinh sản bằng cách đẻ trứng, và thay vào đó giao phối bằng cách giao cấu.

Microbrachius dicki là loài cá có xương nguyên thủy, dài khoảng 8cm, sống trong các hồ cổ xưa, cách đây khoảng 385 triệu năm ở nơi hiện là Scotland.

Giáo sư John Long đến từ Đại học Flinders (Australia), người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: "Chúng tôi đã xác định được thời điểm tiến hóa, khi khởi phát nguồn gốc của quá trình thụ tinh bên trong cơ thể ở tất cả động vật. Đó là bước tiến thực sự rất lớn".

Giáo sư Long cho biết thêm rằng, khám phá mới có được khi ông xem xét một hộp đựng các hóa thạch cá cổ đại. Ông nhận thấy, một trong các mẫu vật cá M. dicki có một phần phụ kỳ quặc hình chữ L. Kết quả điều tra kỹ lưỡng hé lộ, đây thực chất là dương vật của cá đực.

Ông Long và các cộng sự xác định, cá đực sở hữu các thùy bám có xương lớn, với đường rãnh được sử dụng để chuyển tinh trùng vào con cái. Ngược lại, con cái sở hữu một cấu trúc có xương nhỏ ở phía sau, níu dương vật của con đực ở đúng chỗ.

Do cấu tạo bộ xương, các con cá M. dicki đã phải giao phối bên cạnh sườn. "Chúng không thể làm chuyện ấy trong tư thế 'đực trên, cái dưới và mặt đối mặt'. Hành động giao cấu đầu tiên này được tiến hành bên cạnh sườn, theo kiểu khiêu vũ dàn hàng ngang", giáo sư Long giải thích.

Các cặp cá M. dicki có thể duy trì tư thế trên với sự hỗ trợ của các vây giống như những cánh tay nhỏ.

Đáng ngạc nhiên là, nhóm nghiên cứu nhận định, nỗ lực đầu tiên nhằm sinh sản bên trong cơ thể này không tồn tại lâu. Khi cá tiến hóa, chúng quay trở lại với việc đẻ trứng, trong đó cá cái đẻ trứng và cá đực giải phóng tinh trùng vào nước để chúng tự "gặp gỡ" và thụ tinh cho nhau. Phải mất vài triệu năm nữa, việc giao cấu mới tái xuất hiện ở các tổ tiên của cá mập và cá đuối.

Bình luận về nghiên cứu trên, tiến sĩ Matt Friedman thuộc Đại học Oxford (Anh), nói: "Nhóm cá thuộc kỷ đại cổ sinh, bao gồm cả Microbrachius dicki, là nhóm sinh vật đã tuyệt chủng rất nổi tiếng. Hóa thạch của chúng cũng tương đối phổ biến và không phải được tìm thấy ở nơi nào đó xa xôi, kỳ quặc của thế giới. Chúng được phát hiện ngay ở Scotland. Đây là khám phá rất xuất sắc vì chúng tôi đã không nhận ra điều đó trước đây".

Tuấn Anh (Theo BBC, Daily Mail)