Các nhà khoa học đến từ Trường Y Harvard (Mỹ) đã phát hiện ra một cách biến các tế bào gốc thành những cỗ máy sát thủ, chống lại căn bệnh ung thư não.
Các tế bào sản sinh chất độc (màu xanh dương) giúp tiêu diệt tế bào khối u não trong khoang khối u (màu xanh lá cây). |
Trong những thí nghiệm trên chuột, các tế bào gốc đã được biến đổi di truyền để sản sinh ra những chất độc tiêu diệt các khối u não. Các nhà nghiên cứu nói, giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm quá trình này ở người.
Một chuyên gia tế bào gốc nhận định, khám phá trên là "tương lai" của việc chữa trị bệnh ung thư. Đây là thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Viện Tế bào gốc thuộc Trường Y Harvard và Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ).
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Stem Cells, suốt nhiều năm qua, nhóm tác giả đã nghiên cứu một liệu pháp điều trị ung thư dựa vào tế bào gốc. Họ đã dùng kỹ thuật di truyền để khiến các tế bào gốc tiết ra các chất tiêu diệt ung thư, nhưng quan trọng hơn là vẫn có khả năng đề kháng những ảnh hưởng của chất độc do chúng sản sinh. Các tế bào gốc này cũng không gây nguy hiểm cho những tế bào khỏe mạnh bình thường khác.
Ở các thí nghiệm trên động vật, các tế bào gốc như trên được bao phủ trong gel và đặt vào vị trí của khối u não sau khi các bác sĩ loại bỏ nó. Các tế bào ung thư sau đó chết đi do chúng không còn sự bảo vệ trước các độc chất.
Tiến sĩ Khalid Shah, người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố, các kết quả thu được rất tích cực. Ông nói: "Sau khi tiến hành mọi phân tích và quét hình ảnh phân tử nhằm theo dõi sự ức chế tổng hợp protein bên trong các khối u não, chúng tôi quan sát thấy chất độc đã tiêu diệt các tế bào ung thư.
Các chất độc tiêu diệt ung thư đã được sử dụng rất thành công đối với nhiều loại ung thư máu khác nhau, nhưng chúng không hiệu quả ở các khối u rắn, vì ung thư khó tiếp cận hơn và các chất độc có vòng đời ngắn hơn một nửa thời gian. Dẫu vậy, các tế bào gốc biến đổi di truyền đã khắc phục được nhược điểm này".
Tuấn Anh (Theo BBC)