Mấy ngày qua sự kiện con tàu vũ trụ mang tên Philae hạ cánh thành công trên bề mặt sao Chổi được dư luận thế giới chú ý xôn xao. Ngay trung tâm điều khiển thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có trụ sở ở thành phố (Đức) cũng vỡ òa niềm vui hân hoan.

{keywords}

Hình 1: Cả trung tâm điều khiển thuộc ESA ở Darmstad, Đức vỡ òa niềm vui (Ảnh: ESA)

Những tín hiệu đầu tiên từ con tàu thăm dò Philae vang lên, phá tan bầu không khí chờ đợi căng thẳng kéo dài bảy giờ đồng hồ trước đó. Cả trung tâm điều khiển thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đóng tại Darmstad (Đức) vỡ òa trong niềm hân hoan, phấn khích. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cơ quan vũ trụ đã hạ cánh thành công tàu thăm dò lên bề mặt sao chổi.

“Tàu Philae đang gửi tín hiệu liên lạc với trung tâm”, Stephan Ulamec, quản lý tàu đổ bộ của ESA reo lên. Còn Andrea Accomazzo, Giám đốc điều hành của dự án tàu Rosetta không giấu nổi niềm vui khi thốt lên: “Thật tuyệt vời. Chúng tôi không biết dùng từ gì để diễn tả hết niềm hạnh phúc lúc này”.

Tàu Rosetta mang theo tàu thăm dò Philae đã trải qua quãng đường gần 10 tỷ km trước khi đến gần sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko (67P/C-G). Philae tách khỏi tàu Rosetta vào ngày 12/11 và hạ cánh bảy giờ sau đó. ESA cho biết, tàu vũ trụ Rosetta đã phải di chuyển đến đúng vị trí để Philae, vốn không có động cơ đẩy, “hạ cánh tự do” vào đúng quỹ đạo của 67P/C-G.

Tàu thăm dò Philae được thiết kế như một phòng thí nghiệm kiểu robot, nặng 100 kg, mang theo 10 thiết bị để thực hiện các thí nghiệm trên sao Chổi 67P/C-G. Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử này, tàu Philae và tàu mẹ Rosetta đã phải thực hiện hành trình bay dài kỷ lục, gần 6,4 tỷ km.

{keywords}

Hình 2: Phút hạ cánh của tàu thăm dò Philae trên sao Chổi 67P/C-G. (Ảnh: ESA)

Được phóng lên vũ trụ hồi tháng 3/2004, tàu Rosetta đã thực hiện bốn chuyến bay quanh sao Hỏa và Trái Đất và sử dụng lực hấp dẫn của mình để tăng tốc độ nhằm bắt kịp với sao Chổi 67P/C-G. Tuy nhiên, sau đó Rosetta gặp sự cố khi rơi vào trạng thái “ngủ đông” suốt 31 tháng do Mặt Trời ở quá xa và ánh sáng không đủ mạnh để vận hành các tấm pin mặt trời. Vào tháng 1/2014, Rosetta được khởi động trở lại sau một cuộc gọi đánh thức từ Trái Đất để bắt đầu sứ mệnh lịch sử - thám hiểm bề mặt sao Chổi.

Các nhà khoa học dự đoán, chuyến thám hiểm với tổng chi phí gần 1,4 tỷ Euro (tương đương với 1,8 tỷ USD) nếu thành công sẽ hé lộ những bí ẩn về sự hình thành và nguồn gốc của các sao Chổi, hệ Mặt Trời và khởi nguồn của sự sống trên Trái Đất cách đây 4,6 tỷ năm. Đây có thể coi là một bước tiến vượt bậc của ngành khoa học vũ trụ trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Trước dự án Rosetta, đã có nhiều cơ quan hàng không, vũ trụ gửi tàu đi thám hiểm sao Chổi. Năm 1986, con tàu Ice của Cơ quan hàng không, vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiếp cận được phần đuôi của sao Chổi nổi tiếng Halley. Năm 2005, NASA cũng từng phóng phi thuyền Deep Impact bay theo sao Chổi Temple 1 và có những hình ảnh đầu tiên về lớp bụi của sao Chổi từ cột khói thu được khi bắn một thiết bị lõi đồng nặng 370 kg vào thân sao Chổi. Tuy nhiên, chưa có một con tàu nào thực sự hạ cánh thành công lên bề mặt sao Chổi.

“Sứ mệnh đầy tham vọng của Rosetta đã ghi lại dấu ấn trong sách lịch sử, không chỉ là lần đầu tiên gặp gỡ và đi vào quỹ đạo một sao chổi, mà còn là lần đầu tiên đưa tàu đổ bộ lên bề mặt nó”, Jean-Jacques Dordain, giám đốc ESA, khẳng định.

Theo tác giả khoa học viễn tưởng Alastair Reynolds, thành công của ESA có thể được ví như câu chuyện viễn tưởng đã trở thành hiện thực. Rosetta đồng thời cũng đưa con người tiến một bước gần hơn đến câu trả lời lớn nhất, rằng liệu chúng ta có cô đơn giữa vũ trụ này hay không.

Và, đặc biệt đã phát hiện thấy các phân tử hữu cơ chứa thành phần carbon trên sao chổi 67P/Churyumov–Gerasimenko.

Theo TGVN