Thoạt nhìn, nó trông giống một bộ não người đến kỳ lạ. Tuy nhiên, trong thực tế, nó có thể là bằng chứng về các núi lửa từng phun trào khắp bề mặt sao Hỏa.


Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho công bố hình ảnh về một khu vực rộng lớn trông giống bộ não người đến lạ thường, trên bề mặt sao Hỏa. Khu vực này có chiều rộng gần 2km và được NASA mô tả là "một hòn đảo hình tròn" trên hành tinh đỏ.

"Các hình ảnh thu được cho thấy nó trông giống như một hòn đảo hình tròn bị một biển dòng chảy nham thạch bao quanh. Khu vực sở hữu hình dạng đặc biệt này nằm trong một vùng có tên gọi là Athabasca Valles, chứa đựng một số dòng chảy nham thạch mới nhất trên sao Hỏa. Do đó, nhiều khả năng hoạt động của núi lửa đã góp phần tạo ra đặc điểm này. Có lẽ, nham thạch đã xâm nhập vào phía dưới gò đất này và đẩy nó trồi lên trên", các chuyên gia NASA nhận định.

Trong vùng Athabasca Valles vẫn còn nhiều đặc điểm kỳ lạ khác, tiếp tục là điều bí ẩn đối với giới khoa học trên Trái đất. NASA hy vọng, việc điều tra kỹ lưỡng hơn các hình ảnh do camera HiRISE của tàu thám hiểm sao Hỏa MRO ghi lại, sẽ cung cấp một số manh mối chính xác về sự hình thành của vùng đất này trên hành tinh đỏ.

Một nghiên cứu công bố tháng 1/2010 đã mô tả khám phá về một dòng chảy nham thạch đơn lẻ, có kích thước khổng lồ, tương đương bang Oregon của Mỹ, gần Athabasca Valles. Đây là dòng nham thạch có tuổi thọ ngắn nhất được phát hiện trên sao Hỏa, được cho là hình thành vào cuối thời kỳ Amazonian.

Đáy của Athabasca Valles có tới hàng ngàn ốc nón và vòng tròn nhỏ, hình thành do hơi nước phát nổ khắp dòng chảy nham thạch. Do bề mặt do lũ lụt tạo thành hiện bị nham thạch bao phủ, nên hiện việc xác định tuổi của những trận nước lũ chảy tràn qua nó không còn dễ dàng nữa. Tuy nhiên, một giả thuyết đáng tin cậy là, các trận lũ lụt trên bắt nguồn từ sự trỗi dậy của mắc ma.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)