- Hội nghị lần thứ 20 của Liên Hiệp Quốc về chống biến đổi khí hậu COP-20 đang diễn ra tại thủ đô Lima (Peru) được hâm nóng lên bởi nhiệt độ Trái đất tăng tới mức chưa từng có kể từ đầu năm 2014 đến nay.

Hội nghị COP-20 lần này với sự tham gia của các đại diện từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC). Cuộc gặp gỡ lần này sẽ kéo dài, những gần 2 tuần, vì các đại biểu sẽ vừa tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) và cả Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP10).

Hội nghị Lima nhằm tới mục tiêu đạt được một thỏa thuận mới về giới hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, để tiến đến một hiệp định quốc tế trong vòng 1 năm tới (cuối năm 2015). Các đại biểu cũng sẽ bàn cách thúc đẩy kế hoạch hành động ở mỗi nước.

{keywords}
Khí thải “nhà kính” gây biến đổi khí hậu Trái Đất. (Ảnh minh họa)

Trước thềm khai mạc Hội nghị COP 20 và CMP10, xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Quỹ Khí hậu Xanh vừa cho biết đã nhận được cam kết đóng góp 9,6 tỷ USD từ 22 nước thành viên nhằm giúp các nước đang phát triển giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất với hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,5 tỷ USD.

COP-20 và CMP10 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vừa ra tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2020. Liên minh Châu Âu (EU) nêu cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2020-2030 và các nước ASEAN cũng vừa ký tuyên bố chung ASEAN - Mỹ về chống biến đổi khí hậu.

Đây là những diễn biến quan trọng trong tiến trình đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, khi thời gian đến cuối năm 2015 để thông qua một hiệp định quốc tế không còn dài.

Nhưng Hội nghị ở Lima cũng diễn ra trong bối cảnh: Do những tác động của con người, đáng kể nhất là việc tạo ra quá nhiều chất thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây ra những tác hại nghiêm trọng; làm cho nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên kéo theo nắng nóng, mưa lớn, axit hóa đại dương. Nhiệt độ nước biển cũng tăng lên kéo theo việc băng ở cả hai đầu Bắc và Nam cực tan nhanh, gây bão gió, lụt lội ở nhiều nơi trong năm vừa qua.

Đặc biệt, ngày 3/12, Tổ chức Khí thượng thế giới (WMO) đã ra báo cáo cho biết năm 2014 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử Trái Đất kể từ khi được theo dõi thường xuyên. Và ông Michel Jarraud, Tổng Thư ký WMO tỏ ra rất lo ngại trước việc bề mặt nước biển tại tất cả các đại dương, các biển đều nóng lên, trong đó có cả vùng Bắc cực, và cho rằng điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo các số liệu cập nhật của WMO, nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất trong 10 tháng đầu năm nay đã cao hơn 0,86 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990, và nếu như số liệu đo đạc của hai tháng còn lại không thay đổi, thì năm nay chắc chắn sẽ là năm nóng nhất kể từ khi nhiệt độ Trái Đất được theo dõi thường xuyên.

{keywords}
Một người dân tránh nắng nóng tại Paris năm 2012. Ảnh: Reuters.

Cụ thể, WMO đưa ra các con số chứng tỏ: trong thời gian này, phía Tây của Bắc Mỹ, châu Âu, phần phía Đông của lục địa Á-Âu, phần lớn châu Phi và các khu vực Tây, Nam của châu Đại dương là những nơi nóng nhất thế giới.

Cùng với sự gia tăng nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất nói chung, nhiệt độ trên mặt nước biển trong 10 tháng đầu năm nay cao chưa từng thấy, tăng 0,45 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1961-1990.

Và nếu năm nay là năm nóng nhất, thì 14 trong số 15 năm Trái Đất có nhiệt độ cao nhất, đều thuộc vào thế kỷ 21 này (nghĩa là từ năm 2000 đến nay, năm sau nhiệt độ Trái Đất đều cao hơn năm trước, và luôn ở mức cao nhất tính đến thời điểm đó), điều đó chứng tỏ rằng Trái Đất vẫn đang tiếp tục nóng lên, và hiện tượng này chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Báo cáo trên của WMO đã được trình lên Hội nghị lần thứ 20 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-20) đang diễn ra tại thủ đô Lima, Peru!

Trong bối cảnh đó, tiếp theo sau hội nghị tại Ba Lan lần trước, COP-20 tại Lima năm nay tiếp tục tiến trình thương lượng nhằm rút ngắn thời gian tiến đến một Hiệp định tổng quát, đầy đủ và có tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - một nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng.

Hiệp định tương lai này sẽ ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Và Hiệp định này cũng sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto, trở thành văn bản đầu tiên ràng buộc tất cả các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Dĩ nhiên, Hội nghị COP 20 và CMP10 không phải diễn ra một cách dễ dàng và cũng không dễ dàng để có được một Nghị định thư Kyoto mới, khi giữa các nước phát triển (nước giàu) và các nước đang phát triển (nước nghèo) còn tồn tại nhiều khác biệt mà không bên nào nhận trách nhiệm cao nhất khi LHQ đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải đưa ra mức hạn chế khí thải độc hại tối đa.

Nhiều triệu người trên thế giới đang chờ đón các kết quả đạt được ở Lima vào cuối tuần này.

Hoàng Hà