Các nhà khoa học Anh đang phát triển một dạng xét nghiệm máu mới, có thể cung cấp cảnh báo sớm thiết yếu về bệnh ung thư vú, căn bệnh hiện cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 phụ nữ trên khắp thế giới mỗi năm.


{keywords}
Loại xét nghiệm mới, nhằm kiểm tra lượng kẽm ở dạng "nặng" trong máu được cho là có thể chẩn đoán bệnh ung thư vú rất lâu trước khi người bệnh bộc lộ triệu chứng. Ảnh minh họa: Corbis

Nhóm sáng chế hy vọng, loại xét nghiệm đơn giản và không đắt đỏ của họ sẽ giúp phát hiện bệnh rất lâu trước khi người phụ nữ phát triển khối u vú. Theo họ, loại xét nghiệm này có thể được sử dụng trong chương trình soi kiểm quốc gia.

Các chuyên gia cho biết, phát hiện ung thư vú ở các giai đoạn sớm nhất và cũng là thời điểm dễ chữa trị nhất, có thể cứu sống hàng ngàn mạng người, cũng như tránh cho bệnh nhân và người thân của họ khỏi sự đau đớn và buồn khổ vì căn bệnh kéo dài.

Nhà nghiên cứu Fiona Larner đến từ Đại học Oxford (Anh) giải thích: "Phòng tốt hơn chống. Tỉ lệ sống sót đối với bệnh ung thư vú hiện khoảng 80%, nhưng bạn phát hiện bệnh càng sớm, cơ hội điều trị thành công nó càng cao. Trên thế giới hiện đã có các loại thuốc chữa trị được bệnh ung thư vú hoặc kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Nếu có thể phát hiện ung thư vú sớm hơn, chúng ta có thể mang tới cơ hội sống sót cho nhiều phụ nữ hơn nữa".

Loại xét nghiệm mới tập trung vào kẽm cũng như các dạng "nặng" và "nhẹ" của nó tồn tại trong cơ thể. Các nhà khoa học lâu nay đã biết rằng, mô vú hấp thu kẽm và sau đó giải phóng kim loại này vào máu.

Tiến sĩ Larner khám phá ra rằng, các tế bào ung thư vú thấm hút nhiều kẽm hơn. Chúng cũng nắm giữ dạng "nhẹ" của kẽm nhiều hơn.

Nếu các khối u vú chứa phiên bản "nhẹ" của kẽm nhiều hơn trong mô, điều đó đồng nghĩa, phiên bản "nặng", không được chào đón của kim loại này sẽ phải trôi nổi trong máu. Nói một cách khác, những phụ nữ có lượng kẽm ở dạng "nặng" nhiều hơn trong máu có thể mắc bệnh ung thư vú.

Tiến sĩ Larner và các cộng sự đang phát triển loại xét nghiệm máu như trên và hy vọng nó có thể trình làng trong 5 năm tới. Những phụ nữ mang các gen di truyền khiến họ có nguy cơ cao bị ung thư vú, nhiều khả năng sẽ là những đối tượng đầu tiên hưởng lợi từ dạng xét nghiệm này.

Trong 10 năm tới, xét nghiệm máu như trên có thể được sử dụng để phát hiện các dấu hiệu sớm về ung thư vú ở mọi phụ nữ, theo báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Metallomics của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh. Nhóm tác giả kỳ vọng, xét nghiệm này có thể giúp phát hiện bệnh sớm hơn phương pháp chụp X-quang khối u ngực phổ biến hiện nay.

Bệnh ung thư vú hiện đang cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 phụ nữ trên khắp thế giới mỗi năm. Chỉ tính riêng tại Anh, ung thư vú là dạng ung thư phổ biến nhất với gần 50.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh/năm. Tỉ lệ sống sót đang được cải thiện, nhưng ung thư vú vẫn là căn bệnh ung thư "sát thủ" thứ hai đối với phái yếu, sau ung thư phổi, với gần 1.000 ca tử vong mỗi tháng.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)