Hiện có vô số ảo ảnh thị giác khiến các vật thể dường như xoay tròn, thay đổi màu sắc và dịch chuyển theo cách của riêng chúng, nhưng dưới đây có thể là ảo ảnh thị giác mạnh mẽ nhất, với các tác động đủ khiến nhiều người không dám xem trọn vẹn nó từ đầu đến cuối.
Đoạn video đã tạo ra cái gọi là "dư chấn chuyển động" (MAE), một hiện tượng thường được nhắc đến với tên gọi "ảo giác thác nước" sau khi được phát hiện tại một thác nước ở Foyers, Scotland năm 1834.
Ảo giác MAE khiến các tế bào trong bộ não nhạy cảm với một hướng chuyển động nhất định tới khi trở nên mệt mỏi, rồi kích hoạt các tế bào não đó phản ứng với hướng ngược lại. Điều này khiến các vật thể đứng yên dường như chuyển động.
Bản thân dạng ảo ảnh thị giác trên không phải là mới. Nó được đề cập tới lần đầu tiên trong các văn tự Hy Lạp cổ, mặc dù giới nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về nguồn gốc của nó.
Nhiều học giả nhất trí rằng, nhà khoa học kiêm triết gia Hy Lạp Aristotle là người đầu tiên nhắc tới ảo ảnh thị giác MAE trong tác phẩm Parva Naturalia của mình. Tuy nhiên, số khác lại quả quyết, triết gia La Mã Lucretius mới là người nhắc tới nó đầu tiên trong bài thơ De Rerum Natura của ông.
Bản mô tả rõ ràng nhất về hiệu ứng "dư chấn chuyển động" do Jan Evangelista Purkyně ghi lại vào năm 1820, sau khi quan sát được ảo giác này trong lúc xem kỵ binh diễu hành. Robert Addams sau đó cũng quan sát được hiệu ứng tương tự vào năm 1834 khi xem một thác nước ở Foyers, Scotland.
Theo các chuyên gia, ảo giác MAE có thể được lí giải bằng sự thay đổi trong các tế bào thần kinh thị giác, hồi đáp theo những cách nhất định đối với các phần dịch chuyển bên trong một hình ảnh.
Trong bộ não, có nhiều tế bào được điều chỉnh để phản ứng với các đặc điểm và hướng nhất định của một hình ảnh hoặc kích thích. Chẳng hạn như, trong bộ não có nhiều tế bào nhạy cảm với chuyển động theo chiều kim đồng hồ, nhưng cũng có các tế bào nhạy cảm với chuyển động theo hướng ngược lại (ngược chiều kim đồng hồ).
Khi không có chuyển động nào bên trong một hình ảnh, các tế bào này gần như tạo ra cùng một phản ứng.
Tuy nhiên, trong trường hợp của một ảo ảnh MAE đơn giản, chẳng hạn như các vòng tròn xoay theo chiều kim đồng hồ, các tế bào nhạy cảm với hướng chuyển động đó sử dụng năng lượng và trở nên kiệt sức.
Khi việc xoay tròn ngừng lại, các tế bào nhạy cảm với chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ sẽ đảm nhiệm và tích cực hoạt động, trong một nỗ lực nhằm khôi phục sự cân bằng. Điều đó khiến cho các đối tượng đứng yên trông giống như đang chuyển động ở hướng ngược lại, ngược chiều kim đồng hồ trong một thời gian ngắn.
Trong trường hợp của đoạn video được trang Science Forum đăng tải trên, việc tập trung vào các chữ cái khiến các tế bào điều chỉnh phù hợp với chuyển động. Vô số các chuyển động trong video khiến các tế bào kiệt sức ở những tốc độ khác nhau và độ dài của đoạn video kết hợp tạo ra ảo giác khiến các vật thể dường như dịch chuyển theo vô số hướng.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)