Một dịch ngủ bí ẩn đang lan truyền, khiến các cư dân tại một ngôi làng ở miền bắc Kazakhstan thường xuyên ngủ gà gật suốt nhiều ngày liên tục. Căn bệnh lạ không chỉ khiến người dân địa phương mà cả nhà chức trách và các bác sĩ đều vô cùng lo lắng.

{keywords}

Dịch ngủ kỳ lạ đã tấn công các cư dân ở làng Kalachi suốt gần 4 năm qua. Ảnh: Daily Mail

Các bác sĩ nhận định, chứng ngủ gà gật bất thường có khả năng do sự dư thừa quá mức dịch trong bộ não. Tuy nhiên, họ hiện vẫn chưa thể xác định được căn nguyên của hiện tượng này.

Căn bệnh lạ đã tấn công các cư dân của ngôi làng Kalachi xa xôi hẻo lánh ở miền bắc Kazakhstan suốt gần 4 năm qua. Tình trạng ngày càng trầm trọng, với gần 14% trong tổng số 600 cư dân của làng, cả trẻ em và người lớn, bị rối loạn giấc ngủ kỳ quặc như vậy.

Suốt mùa hè qua, 60 người đã phải nhập viện vì chứng bệnh lạ. Ngoài việc ngủ lơ mơ nhiều ngày liên tục, những người này thông báo họ còn cảm thấy hoa mắt chóng mặt, không thể đứng vững, mệt mỏi và gặp các vấn đề về trí nhớ. Một số thậm chí còn bị ảo giác nặng nề.

{keywords}

Cả người lớn và trẻ em đều bị bệnh lạ. Ảnh: RT

Các bác sĩ đã loại bỏ khả năng việc nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn, giống như bệnh viêm màng não là nguyên nhân gây dịch bệnh lạ. Các nhà khoa học cũng không thể tìm thấy bất kỳ hóa chất nào trong đất hoặc nước ở khu vực có thể gây chứng ngủ gà gật.

Nhiều người địa phương tin rằng, nguyên nhân chứng bệnh lạ có thể bắt nguồn từ các mỏ uranium thời Liên Xô cũ, nay đã bỏ hoang ở gần đó. Tuy nhiên, các thợ mỏ từng làm việc tại đây không bị bệnh tấn công. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, mức phóng xạ ở làng Kalachi cũng như tại thị trấn Krasnogorsk lân cận (vốn từng là một nơi sầm uất nhưng hiện là thị trấn hoang vắng, bao quanh vùng mỏ bỏ hoang) không có gì bất thường so với khu vực xung quanh.

Dẫu vậy, một đoàn làm phim của báo Russia Today, những người đã làm một bộ phim tài liệu về đợt bùng phát dịch ngủ mới nhất, hồi tháng 9 vừa qua, thông báo, đã phát hiện lượng phóng xạ cao gấp 16 lần mức dự kiến đối mức phóng xạ nền ở gần lối vào một hầm mỏ bỏ hoang, đã được lấp kín.

Theo một số cư dân địa phương, gió và khói thoát ra từ khu vực mỏ có thể là thủ phạm gây bệnh lạ. Số khác phỏng đoán, đó cũng có thể do các chất thải độc hại đã được chôn vùi ở đây.

Alsu Shjeladeva, một cư dân địa phương, kể, một số người trong vùng đã đi xuống đường hầm của mỏ số 7 và ngửi thấy một mùi ngọt ngào ở dưới đó. “Chúng tôi sợ những gì đang được lưu giữ trong đó. Chúng tôi sợ rằng tất cả chúng tôi có thể đều ngủ gục”, bà Shjeladeva bộc bạch.

{keywords}

Một bệnh nhân ngủ gà gật phải nhập viện điều trị. Ảnh: The Siberian Times

Igor Samusenko, một cư dân địa phương cũng có con trai bị bệnh ngủ, cho biết thêm: “Con trai tôi chạy nhảy đây đó và rồ bắt đầu trở nên mất tỉnh táo và loạng choạng. Khi nó quay đầu lại, đôi mắt giữ nguyên hướng cố định có như đang nhìn chằm chằm thứ gì đó. Khi tôi cố đánh thức con, có vẻ nó muốn mở mắt nhưng không thể. Thung lũng im lìm, thung lũng ngủ là những gì mọi người thường gọi chúng tôi”.

Bà Lyubov Belkova tuyên bố mình là cư dân đầu tiên bị bệnh ngủ tấn công vào tháng 4/2010 và kể từ đó đã hứng chịu tình trạng rối loạn giấc ngủ này 7 lần. Bà ban đầu được chẩn đoán bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng các bác sĩ đã rút lại chẩn đoán này khi người hàng xóm của bà sau đó cũng bộc lộ những triệu chứng tương tự.

Các chuyên gia xác định, dân làng Kalachi có thể bị mắc một căn bệnh não chưa rõ nguyên nhân. Kết quả chiếu chụp hé lộ, nhiều người trong số họ dư thừa dịch quá mức trong bộ não – chứng phù não lan tỏa, nhưng không có biểu hiện suy thoái thần kinh. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn e sợ, chứng phù não lan tỏa kéo dài có thể gây ra những hậu quả dài hạn đối với sự phát triển thần kinh của bộ não trẻ em.

Tuấn Anh (theo Daily Mail, RT)