- Hai lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Takahama vừa được Cơ quan pháp quy hạt nhân (NRA) chuẩn y bước thứ nhất chỉ sau 2 ngày cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản được công bố với thắng lợi áp đảo của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Abe vốn gắn bó với sự phát triển của nền công nghệ điện hạt nhân. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đó liệu có phải là tín hiệu thuận lợi cho ngành năng lượng này?

Tín hiệu ban đầu cho nhà máy Takahama

Cơ quan pháp quy hạt nhân (Nuclear Regulatory Authority, viết tắt NRA) của nước Nhật ngày Thứ Tư 17/12/2014 vừa công bố chấp nhận đạt tiêu chuẩn an toàn cho hai lò phản ứng, số 3 và số 4, của nhà máy điện hạt nhân Takahama tại tỉnh Fukui sở hữu bởi Tập đoàn điện lực Kansai. Nhà máy Takahama nằm ở miền tây nước Nhật và cũng là phía tây của thủ đô Tokyo.

{keywords}
Lò phản ứng 3 và 4 của nhà máy Takahama. (Ảnh: Nguồn Kyodo)

Cụ thể, Cơ quan Pháp quy hạt nhân của Nhật Bản (NRA) đã chấp thuận các biện pháp tăng cường an toàn của công ty điện lực Kansai đề phòng xảy ra động đất và sóng thần cũng như các tai nạn nghiêm trọng khác có thể ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân Takahama. Nhưng đây chỉ là tín hiệu “xanh” đầu tiên (công đoạn 1). Nhiều công đoạn khác đang ở phía trước.

Trước hết, trong một tháng tiếp theo, từ ngày 17/12/2014 cho đến 19/1/2015 tới, nhà máy điện hạt nhân Takahama phải trải qua công đoạn chính thức tham khảo ý kiến công chúng trong vùng có nhà máy (2). Tiếp theo, ý kiến chấp thuận của chính quyền sở tại cũng là điều bắt buộc theo quy định mới của của NRA (3). Sau đó, một công đoạn quan trọng nữa (4) là khâu kiểm tra vận hành tại chỗ 2 lò phản ứng ở nhà máy Takahama trước khi cho khởi động chính thức. Và cuối cùng (5) là quyết định cho phép “ấn nút” tái khởi động vận hành nhà máy bởi Thủ tướng chính phủ Nhật Bản.

Rõ ràng phải vượt qua tất cả 5 bậc thang mới đến được chỗ bấm nút khởi động thực sự cho lò phản ứng hạt nhân hoạt động và phát điện, nhưng nhà máy Takahama chỉ mới bước qua bậc thứ 1.

Trong khi Takahama mới bước qua bậc đầu tiên, một nhà máy điện hạt nhân khác của nước Nhật đã đi trước, qua được 4 bậc, đó là Nhà máy điện hạt nhân Sendai.

Nhà máy Sendai chỉ chờ lệnh thủ tướng

Gần 4 tháng trước, nhiều người đã tưởng 2 lò phản ứng, số 1 và số 2 của nhà máy điện hạt nhân Sendai, nằm ở hòn đảo tây nam nước Nhật sắp được ấn nút tái hoạt động phát điện. Ngay một báo lớn, Điện tử NewYork Times, sáng ngày 10/9/2014 cũng khẳng định tiên đoán đó bằng tiêu đề bài viết đầy lạc quan: “Sau ba năm rưỡi kể từ sự kiện Fukushima, Nhật Bản đã chuẩn y cho việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân”.

Mọi người biết đâu, đó chỉ là bậc thang đầu tiên (1), tương tự trạng thái của nhà máy Takahama hiện nay. Tức là hai lò số 1 và số 2 của nhà máy Sendai vào đầu tháng 9/2014 được xác nhận đủ điều kiên tái khởi động và được cấp phép chính thức ở cấp Cơ quan Pháp quy Hạt nhân (NRA). Dù sao vượt qua nấc thang đó cũng không dễ dàng, cơ quan NRA cho biết họ đã phải đọc những 18.600 trang tài liệu do Công ty Điện lực Kyushu Electric nộp, cũng như sử dụng kết quả kiểm tra trực tiếp ở hiện trường nhà máy.

{keywords}
Nhà máy ĐHN Sendai trên đảo phía nam Kyushu. (Ảnh: Nguồn Kyodo News).

Dĩ nhiên, nhà máy điện hạt nhân Sendai, sau đó, đã đi tiếp qua bậc thang (2). May mắn là việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư sống lân cận nhà máy điện hạt nhân diễn biến khá thuận lợi vì phần lớn họ được hưởng lợi trực tiếp qua công ăn việc làm từ nhà máy. Chỉ có một số người phản đối nhưng chủ yếu là những người sống xa hơn và không được NRA tính đến.

Tiếp đến bậc thang quan trọng (3) cũng vượt qua được với kết quả khả quan. Sau khi Hội đồng thành phố ủng hộ với đa số cao, tỉnh trưởng Kagoshima đã ra quyết định đồng ý cho việc tái khởi động 2 lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Sendai.

Như vậy, còn 2 bậc thang cuối cùng còn lại, tức quyết định cho phép khởi động lại của Thủ tướng chính phủ Nhật Bản cùng với việc kiểm tra vận hành tại chỗ 2 lò phản ứng ở nhà máy Takahama để “ấn nút”, đang được chờ đợi. Ở đây, quyết định của Thủ tướng chính phủ mang nặng tính chính trị và có liên quan đến đường lối của đảng và chính phủ do đảng Dân chủ Tự do ông Shinzho Abe cầm đầu.

Cơ hội biến thành hiện thực?

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Nhật Bản và bản thân ông Thủ tướng Shinzho Abe gắn bó với sự nghiệp phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân nước này. Họ có vai trò lớn đưa điện hạt nhân chiếm 30% tổng điện năng Nhật Bản trong thời kỳ trước thảm họa động đất sóng thần gây ra sự cố Fukushima năm 2011.

{keywords}
Sự phân bố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật. (Ảnh: Nguồn từ “End the Lie”).

Trong thời kỳ hậu Fukushima, sau khi đảng LDP thay thế đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ, chính phủ Nhật Bản của ông Shinzho Abe dần dần tỏ rõ quan điểm tái sinh nền công nghiệp điện hạt nhân. Ngày 11/4/2014 chính phủ Abe đưa ra chính sách năng lượng quốc gia với tên gọi "Kế hoạch năng lượng cơ bản". Điểm chủ yếu của kế hoạch đó là năng lượng hạt nhân vẫn được coi là nguồn điện năng quan trọng, đặc biệt rút lại “mục tiêu loại bỏ điện hạt nhân” mà chính quyền tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ DPJ đưa ra ngay sau sự cố Fukushima năm 2011.

Tuy nhiên, chính phủ Abe không chủ trương đưa tỷ lệ điện hạt nhân lên quá cao, đến mức khoảng 50% như từng đề ra trước sự cố Fukushima 2011. Họ còn hướng tới mục tiêu đưa năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) lên mức 20% tổng điện năng năm 2030 theo như đã đề ra trước đây, vào năm 2010.

Theo chính sách nói trên, 18 lò phản ứng hạt nhân tại các nhà máy khác nhau trên toàn nước Nhật được đưa vào danh sách đánh giá và thẩm định theo tiêu chuẩn an toàn hạt nhân mới xây dựng sau Fukushima. Mặt khác, Chính phủ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cũng để ngỏ khả năng cho phép xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho cả nước.

Dù sao, trước tình hình dân chúng nước Nhật, một tỷ lệ đông đảo, vẫn còn dị ứng và phản đối điện hạt nhân, chính phủ LDP của Thủ tướng Abe phải thận trọng và chọn bước đi thích hợp. Tốc độ thẩm định hai nhà máy đầu tiên, Sendai và Takahama, do đó, đang khá chậm chạp và rất thận trọng bước qua từng bậc thang một.

Song tình thế đã thay đổi khá bất ngờ với kết quả bầu cử Hạ viện Nhật Bản vừa công bố sáng 15-12, trong đó đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành được 291 ghế trong tổng số 475 ghế, tiếp tục là đảng chiếm đa số tại Hạ viện, đồng thời đảng Công Minh, đối tác trong liên minh còn giành được 35 ghế nữa.

Trước cơ hội thuận lợi này, liệu chính sách năng lượng hạt nhân của LDP có triển khai mạnh hơn trong thực tế? Và tốc độ tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân của Chính phủ Shinzho Abe có tiến hành nhanh hơn không?

Trần Minh