Hầu hết các trường hợp mắc ung thư bắt nguồn từ sự kém may mắn, hơn là do lối sống thiếu lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hay gen di truyền, theo một nghiên cứu mới.


{keywords}

Các bệnh ung thư chủ yếu do sự thiếu may mắn (trái) và do lối sống thiếu lành mạnh, chế độ ăn hay các gen di truyền (phải). Ảnh: Daily Mail

Trong một nghiên cứu trước đây, các chuyên gia đã ước tính rằng, khoảng 30 - 40% ca ung thư sẽ phòng tránh được nếu bệnh nhân có lối sống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, họ không phỏng đoán được liệu số trường hợp ung thư còn lại có thể ngăn ngừa được hay không.

Các nhà nghiên cứu Mỹ lần đầu tiên đã nỗ lực định lượng tỉ lệ ung thư không thể phòng tránh được. Họ xem xét các lỗi ngẫu nhiên hay đột biến xảy ra trong ADN khi các tế bào phân chia trong đời của một con người.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, càng có nhiều đột biến ngẫu nhiên như trên tích tụ, nguy cơ các tế bào sẽ phát triển không kiểm soát - dấu hiệu của bệnh ung thư - càng cao. Vai trò của các lỗi ngẫu nhiên này đối với sự phát triển bệnh ung thư trước đây chưa từng được biết đến.

Giáo sư Bert Vogelstein đến từ Trường Y, Đại học Johns Hopkins tuyên bố: "Tuổi thọ cao cùng với việc không bị mắc ung thư ở những người tiếp xúc với các yêu tố gây ung thư, chẳng hạn như thuốc lá, thường được quy cho 'các gen tốt' của họ. Tuy nhiên, sự thật là, hầu hết họ đơn giản gặp may mắn".

Ông Vogelstein và các cộng sự cho rằng, yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh ung thư đơn giản là việc con người già đi. Điều này là vì, khi đó, các tế bào trong cơ thể của chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để tích tụ các tổn hại di truyền.

Vấn đề có thể chủ yếu do cách các mô tái sinh. Các tế bào già cỗi, mệt mỏi trong cơ thể liên tục được thay thế bằng các tế bào mới do những tế bào gốc phân chia. Nhóm của ông Vogelstein đã phát triển một mô hình tính toán để đo số phân chia của các tế bào gốc tự thay mới ở 31 mô khác nhau trong cuộc đời của một con người bình thường. Kết quả sau đó được so sánh với phạm vi tác động cả đời của bệnh ung thư ở cùng những mô đó.

Các chuyên gia đã phát hiện sự liên quan mạnh mẽ giữa tốc độ phân chia tế bào gốc của một mô nhất định với khả năng mô đó bị ung thư. Cụ thể là, các tế bào gốc phân chia càng thường xuyên, khả năng các cặp mã di truyền gốc bị làm mới mắc lỗi càng cao, dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh ung thư tăng lên. Tính tổng cộng, nhóm nghiên cứu phát hiện, các đột biến ngẫu nhiên do sự phân chia tế bào gốc có thể lí giải tới gần 65% ca mắc ung thư.

Giáo sư Vogelstein kết luận: "Tất cả các bệnh ung thư là hậu quả kết hợp của sự kém may mắn, môi trường và tính di truyền ... Nhiều dạng ung thư chủ yếu do sự thiếu may mắn khiến người hứng chịu đột biến ở gen thúc đẩy ung thư, bất chấp lối sống và các yếu tố di truyền. Cách tốt nhất để loại bỏ những bệnh ung thư này sẽ là thông qua phát hiện sớm, khi chúng vẫn còn chữa trị được bằng phẫu thuật".

Dẫu vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, 1/3 số ca mắc ung thư còn lại vẫn chịu ảnh hưởng chủ yếu do các lựa chọn lối sống của chúng ta. Việc thay đổi lối sống và các thói quen xấu, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, giảm uống bia rượu, tránh ăn nhiều chất béo cũng như đường và muối, duy trì cân nặng phù hợp, tránh để cháy nắng và vận động tích cực hơn có thể giúp chúng ta giảm được nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhất định, chẳng hạn như ung thư da, ung thư phổi, ...

Tuấn Anh (Theo BBC, Daily Mail)