- Nhìn tổng quát bức tranh điện hạt nhân trên thế giới năm 2014 vừa qua, có thể thấy một số nhà máy hay số tổ mới được đưa vào hoạt động, đồng thời một vài nhà máy hay tổ máy quá cũ bị thải loại. Nhưng nhìn chung ngành điện hạt nhân toàn cầu đã phát triển theo hướng tăng trưởng, mặc dù sự cố Fukushima kèm theo thảm họa động đất sóng thần xảy ra chưa lâu.  

Thực tế là như vậy. Theo thống kê của cơ quan thông tin Tin tức Hạt nhân Toàn cầu (WNN), trong năm 2014 vừa qua, có 5 lò phản ứng bắt đầu đưa vào vận hành và đưa điện vào lưới, trong khi chỉ có 1 lò đóng cửa vĩnh viễn.

{keywords}

Hình 1- Tốp điều hành trong phòng điều khiển đang đưa tổ máy Fangjiashan 2 lên trạng thái tới hạn đầu tiên. Nguồn ảnh: CNNC.  

Năm lò phản ứng (hay tổ máy) mới đã đóng góp tổng công suất điện năng 4763 MWe thuộc các nhà máy điện hạt nhân sau đây: Ninhde 2, Fuqing 1 và Fangjiashan 1 ở Trung Quốc; Atucha 2 ở Argentina và Rostov 3 ở Nga. Ở đây chưa tính đến tại Nhà máy Fermi của Mỹ có 2 tổ máy đã bổ sung thêm công suất khoảng 15-20 MWe.

{keywords}

Hình 2- Tổ máy Atucha-1 và Atucha-2 ở Argentina. Atucha-2 đưa điện lên lưới ngày 27/06/2014. Nguồn ảnh: WNN.

Như vậy, bước vào năm 2015, thế giới đã có 436 lò phản ứng đưa điện hạt nhân vào lưới điện các quốc gia với tổng công suất 377,7 GWe.  

Ngoài ra, 3 lò phản ứng mới cũng được khởi công xây lắp trong năm qua. Cùng với lò thứ hai của nhà máy điện hạt nhân Ostrovets ở Belarus, lò thứ ba của nhà máy Barakah ở Vương quốc A-rập Thống nhất United Arab Emirates đã được động thổ. Năm 2014 còn chứng kiến sự động thổ cho chiếc lò mẫu CAREM-25, một loại lò nhỏ thiết kế và triển khai trong nước Argentina.

Sự khởi công ba lò nói trên đưa số lò hạt nhân vào xây dựng trên thế giới lên con số 70 và sẽ nâng tổng công suất lên gần 74 GWe trong những năm tới.

Trong tháng Mười Hai vừa qua, Tổng công ty Entergy đóng cửa nhà máy Vermont Yankee 604 MWe tại Mỹ sau 42 năm khai thác, đây là sự đóng cửa chỉ một tổ máy (lò phản ứng) duy nhất trong năm 2014. Mặc dù Cơ quan an toàn hạt nhân đã cấp giấy phép cho các lò hoạt động đến năm 2032, nhưng năm 2013 Entergy vẫn quyết định cho đóng cửa sớm nhà máy trên chỉ vì lý do kinh tế.

Cũng trong năm 2014, tổ máy 5 và 6 của nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản đã chính thức bị thải loại và sẽ được gỡ bỏ. Tổng Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) công bố vào cuối năm 2013 về việc không có ý định khởi động lại các lò phản ứng này, mặc dù các lò này nói chung không bị hư hại bởi trận động đất và sóng thần tháng Ba năm 2011 dẫn đến tàn phá các lò số 1– số 4.

Vậy là năm 2014 đã kết thúc với sự tồn tại và tăng thêm số tổ máy và tổng công suất điện hạt nhân trên thế giới. Chỉ có điều đáng nói là về nền công nghiệp điện hạt nhân của nước Nhật. Trong sự theo dõi và chờ đợi của những người quan tâm trên thế giới, Nhật Bản vẫn đang là một quốc gia phi điện hạt nhân vì toàn bộ 48 lò phản ứng vẫn im lìm đóng cửa chờ ý kiến thẩm định của Cơ quan Pháp quy An toàn Hạt nhân. Mặc dù Cơ quan pháp lý đầy quyền lực này đã có ý kiến phê duyệt cho 4 tổ máy trong năm 2014, nhưng vẫn chưa được quyết định phê duyệt của Chính phủ cho hoạt động trở lại. Ngoài ra, việc đánh giá an toàn hạt nhân cho 17 lò phản ứng khác vẫn còn ở giai đoạn xem xét.

Minh Trần