Các nhà khoa học phát hiện, những bé gái uống hơn 1 lon nước ngọt mỗi ngày nhiều khả năng sẽ dậy thì sớm hơn các bạn đồng giới không có thói quen đó.


{keywords}

Một nghiên cứu mới, kéo dài 5 năm đối với gần 6.000 trẻ gái ở độ tuổi thanh thiếu niên đã khám phá ra mối liên hệ giữa việc uống nhiều nước ngọt với hiện tượng có kinh nguyệt sớm. Cụ thể là, những trẻ gái uống hơn 1,5 lon nước ngọt mỗi ngày sẽ bắt đầu bị "đèn đỏ" sớm hơn 2,7 tháng so với các bạn đồng giới tiêu thụ 2 lon đồ uống đó trong một tuần hoặc ít hơn. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia, với mỗi năm bắt đầu kinh nguyệt sớm hơn, người phụ nữ sẽ tăng 5% nguy cơ bị ung thư vú về sau trong đời.

Tiến sĩ Karin Michels, người đứng đầu nghiên đến từ Trường Y, Đại học Harvard (Mỹ), tuyên bố: "Nghiên cứu của chúng tôi đã củng cố thêm những quan ngại ngày càng tăng về tình trạng tiêu dùng nước ngọt ở trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ cũng như những nơi khác trên thế giới.

Quan ngại chính là về chứng béo phì thời thơ ấu, nhưng nghiên cứu của chúng tôi hé lộ, thời điểm bắt đầu có kinh nguyệt xảy ra sớm hơn, không phụ thuộc vào chỉ số khối cơ thể, ở trẻ gái hấp thụ nhiều đồ uống có thêm đường nhất. Phát hiện này rất quan trọng trong bối cảnh hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ gái ngày càng phổ biến, đã được ghi nhận ở các nước phát triển nhưng chưa rõ nguyên nhân".

Ông Michels và các cộng sự khám phá ra rằng, các loại đường nhân tạo được cho thêm vào nước ngọt là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ gái uống nhiều chúng.

Họ nhận định, các đồ uống cho thêm đường nhân tạo có thể dẫn đến sự tích tụ nhanh chóng lượng lớn hoóc môn insulin. Và việc gia tăng insulin có thể gia tăng nồng độ các hoóc môn sinh dục trong cơ thể và sự thay đổi này có liên quan đến việc bắt đầu bị "đèn đỏ" sớm hơn.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, khám phá của họ cung cấp những thông tin thiết yếu cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của trẻ vị thành niên. Nó có thể là lời cảnh báo cho trẻ gái uống ít nước ngọt hơn nhằm tránh việc dậy thì sớm.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)